Trên một tờ báo số ra cuối tuần rồi có bài viết ngắn trên chuyên trang giáo dục với tựa đề: “Em ước mơ về một nền giáo dục khác”. Cái sự “khác” mà cô học trò trung học phổ thông, tác giả bài báo muốn đề cập chính là giáo dục phải kích thích sự sáng tạo của học trò, bỏ đi sự giáo điều, khuôn mẫu, nặng nề tồn tại trong chương trình giáo dục nước nhà hàng chục năm qua.
Đọc bài báo của cô học trò này hẳn nhiều người phải giật mình, bởi cái ước mơ kia không xa tầm với mà sao ngành giáo dục-đào tạo vẫn cứ “loay hoay” mãi với điệp khúc đổi mới để làm khổ học trò, làm khổ phụ huynh và làm khổ thêm cho chính những thầy cô giáo!
Trong bài báo vừa nêu, cô học trò đưa ra câu chuyện rất thật mà em đã phải “chịu đựng” một cách khổ sở. Em kể rằng, năm học lớp 6, cô giáo yêu cầu viết một bài văn về một tấm gương cảm động mà em biết. Em đã dồn hết tâm lực để viết về cô bạn đồng trang lứa với thân hình gầy gò, đen nhẻm, ngày ngày đi bán vé số với ánh nhìn xa xăm… Bài văn sau khi trình bày tại lớp đã lay động tâm hồn bạn học, một số bạn đã bật khóc, đồng cảm nhưng cô giáo lại không đánh giá cao. Cô phê rằng bài viết không đúng dàn ý bởi cái kết thúc không… có hậu về cô bé bán vé số! Kể ra câu chuyện vừa nêu, cô học trò này cho biết kể từ đó về sau em không viết được một bài văn nào cảm động cả vì sợ không đúng dàn ý của những bài văn mẫu!
Tại sao lại phải rập khuôn, “đóng khung” sự sáng tạo của học trò? Tại sao lại buộc phải viết một cái kết có hậu về cô bé bán vé số mưu sinh khi sự thật không phải vậy? Trách ai đây, những người viết ra chương trình giáo dục hay những cô thầy trực tiếp đứng lớp? Có phải vì chương trình khô cứng, khuôn mẫu hay chính người thầy muốn và buộc học trò phải vậy? Thật khó để trả lời những câu hỏi này một cách thỏa đáng.
Một bài báo nhỏ, của một cô học trò nhỏ, kể về những câu chuyện nhỏ mà em gặp phải nhưng suy nghĩ của em lại không hề nhỏ chút nào. Em ước mơ về sự sáng tạo trong quá trình học và rất có thể sự sáng tạo của lứa tuổi học sinh có thể còn khiếm khuyết, chưa chuẩn nhưng theo thiển ý của người viết là rất cần được động viên khích lệ. Câu chuyện nhỏ nhưng đó là kiểu giáo dục phổ biến ở Việt Nam hiện tại. Không riêng gì bậc học phổ thông. Ngay cả giáo dục đại học cũng đọc - chép rập khuôn bao nhiêu năm nay.
Ngành giáo dục - đào tạo đang hô hào đổi mới trên nhiều mặt. Ừ thì đổi mới, nhưng trước mắt hãy bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ mà cô học trò kia vừa đưa ra rồi tính chuyện đổi mới những vấn đề lớn lao hơn!
CẢNH HƯỞNG