Sau thời gian không phát sinh thêm các ổ bệnh dịch tả heo châu Phi và hầu hết các địa phương trong tỉnh công bố hết dịch thì việc mong muốn tái đàn, tăng đàn heo là tâm lý chung của người chăn nuôi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, mầm mống dịch bệnh vẫn còn lưu ủ, nguy cơ tái phát, bùng phát ổ dịch mới vẫn có thể xảy ra, vì vậy người chăn nuôi cần hết sức cẩn trọng khi tái đàn, tăng đàn.
Việc thận trọng khi tái đàn, tăng đàn là có cơ sở. Vì trong tháng 2-2020 trên địa bàn tỉnh đã phát sinh ổ dịch tả heo châu Phi mới ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại xã An Sơn (TP.Thuận An), xã An Điền (TX.Bến Cát) và xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng). Trong thời điểm hiện tại, để phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi không bùng phát trở lại thì công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, vận chuyển heo và các sản phẩm heo cần tiếp tục chú trọng, không thể chủ quan, lơ là. Người chăn nuôi cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn nếu muốn tái đàn, tăng đàn; đồng thời thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch bệnh.
Các chuyên gia cảnh báo người chăn nuôi không nên vội vàng tái đàn, tăng đàn nếu không có nguồn giống an toàn, chưa bảo đảm về chăn nuôi an toàn sinh học hay việc vận chuyển thực phẩm, thức ăn gia súc giữa các vùng, miền. Người chăn nuôi có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm hoặc các loại gia súc khác để tránh thiệt hại về kinh tế. Nếu quyết định chăn nuôi heo trở lại, cần lưu ý chỉ sử dụng con giống bảo đảm an toàn tại địa phương và ở ngoài vùng dịch; thực hiện nghiêm khâu quản lý việc vận chuyển heo giống, yêu cầu phải có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch.
Sau dịch, các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn, tăng đàn phát triển chăn nuôi là cần thiết. Tuy nhiên, những biện pháp về kiểm soát con giống, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng như trên vẫn chưa đủ. Do bệnh dịch tả heo châu Phi chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị, mầm bệnh do vi rút dễ phát tán và lây lan, hơn nữa vi rút này có thể tồn tại nhiều năm. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi nên đợi đến khi công bố hết bệnh dịch tả heo châu Phi trên toàn tỉnh mới thực hiện tái đàn, tăng đàn.
Việc tái đàn, tăng đàn sau bệnh dịch tả heo châu Phi cần lưu ý cơ sở chăn nuôi phải bảo đảm việc áp dụng theo quy trình an toàn sinh học, không thực hiện tái đàn ồ ạt khi chưa bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Việc tái đàn nên nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước, sau đó nếu thấy ổn định thì mới tăng quy mô, nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, chăn nuôi phát triển ổn định.
NHẬT HUY