Ngày 2-10, Tiểu ban thông tin, truyền thông Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã tổ chức họp báo thông tin về kế hoạch kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong trạng thái “bình thường mới”. Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các sở, ngành đã thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí về các phương án chống dịch, an ninh trật tự, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh khi trở về trạng thái “bình thường mới”.
Lấy y tế là trung tâm
Thông tin tại cuộc họp, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, cho biết trải qua gần 4 tháng chống dịch, với sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, hiện nay tình hình dịch trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát và tỉnh đang từng bước phục hồi kinh tế - xã hội. Các chỉ số phục hồi kinh tế của tỉnh đang có nhiều khả quan, các công trình xây dựng, nhà máy đang trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Võ Văn Minh, mặc dù đợt dịch thứ 4 hoành hành, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt nhưng kinh tế Bình Dương vẫn trên đà tăng trưởng. Cụ thể, 9 tháng năm 2021, vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp đạt 1,76 tỷ đô la Mỹ, tăng 1,98% so với cùng kỳ và đạt 126,24% kế hoạch năm. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.574 triệu đô la Mỹ (chiếm tỷ lệ 82%), tăng 2,15% so với cùng kỳ; khu vực trong nước đạt 193 triệu đô la Mỹ (chiếm tỷ lệ 18%), tăng 1,88% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Trở về trạng thái “bình thường mới” tỉnh xác định lấy y tế là trung tâm để đưa dịch vụ y tế đến sớm nhất, nhanh nhất với người dân. Trong ảnh: Người dân phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: MINH DUY
Để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới, tỉnh đề ra các giải pháp chiến lược trong đó lấy y tế là trung tâm để đưa dịch vụ y tế đến sớm nhất, nhanh nhất với người dân. Phân tích về phương án y tế để kiểm soát dịch, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh đến công tác tiêm vắc xin. Hiện hơn 95% người dân trên địa bàn tỉnh đã tiêm 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19. Tỉnh chỉ đạo ngành y tế nhanh chóng tiến hành tiêm mũi 2 cho người dân ngay khi nhận vắc xin phân bổ từ Bộ Y tế. Cùng với vắc xin, tỉnh cũng xác định xét nghiệm là khâu then chốt nên tiếp tục thực hiện chiến lược xét nghiệm tại “vùng đỏ”, “vùng cam” và tầm soát toàn bộ các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở; thực hiện xét nghiệm tầm soát tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người (chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe và phương tiện vận chuyển, bệnh viện, trường học, nhà máy, xí nghiệp…) để kiểm soát và ngăn chặn chuỗi lây nhiễm mới, đặc biệt phải bảo vệ được chuỗi “sản xuất xanh”. Tỉnh cũng sẽ tiến hành đánh giá cấp độ dịch thường xuyên, chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng, tiếp tục mở rộng mạng lưới trạm y tế lưu động kết hợp trạm y tế truyền thống để đưa y tế đến với người dân nhanh nhất có thể.
Về công tác điều trị, theo ông Võ Văn Minh, đây là lúc phục hồi lại các hoạt động để chữa trị cho người dân mắc bệnh khác cùng với bệnh Covid-19. Do đó, địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, nâng cao năng lực điều trị hệ thống công lập, bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh, nghiên cứu thành lập “Khoa Covid” tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa. UBND tỉnh giao Sở Y tế tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút mọi nguồn lực tham gia công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bảo đảm lưu thông hàng hóa
Đề cập đến vấn đề lưu thông trong tỉnh và với các tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết trong điều kiện “bình thường mới”, hoạt động giao thông - vận tải hàng hóa bảo đảm lưu thông thuận lợi giữa Bình Dương với các tỉnh, thành phố, đáp ứng phục vụ đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh phù hợp với cấp độ dịch bệnh của từng khu vực, địa phương. Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông - Vận tải và quy định của Bộ Y tế. Sở Giao thông - Vận tải sẽ có hướng dẫn chi tiết đối với việc lưu thông liên tỉnh của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám, chữa bệnh), tổ chức vận chuyển, đưa đón người lao động.
Về lưu thông nội tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải nhấn mạnh sẽ thực hiện theo phương án giữa các huyện thuộc “vùng xanh” (Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên), người và các phương tiện lưu thông bình thường, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh khi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Riêng TP.Thủ Dầu Một và TX.Bến Cát tổ chức lưu thông liên phường trong nội bộ của từng địa phương. 3 địa phương còn lại là TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Tân Uyên tổ chức giao thông theo tinh thần “an toàn đến đâu, mở rộng lưu thông đến đó”, từ phạm vi nội bộ khu phố, đến liên khu phố, đến phường, đến liên phường. Căn cứ tình hình diễn biến dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của 3 địa phương này quyết định phương án lưu thông trong nội bộ từng địa phương.
HOÀNG LINH