Bảo đảm mức sống tối thiểu

Cập nhật: 17-07-2019 | 07:32:16

Sau nhiều phiên thảo luận và bàn bạc sôi nổi của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 của các bên từ khoảng cách rất xa nhau đã tìm được tiếng nói chung khi thống nhất chốt mức tăng là 5,5% so với năm 2019.

Để bảo đảm đúng tinh thần của Nghị quyết số 27 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đánh giá mức sống tối thiểu, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để đề xuất với Chính phủ phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu cho năm 2020.

 Theo đó, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tăng lương tối thiểu vùng chính nhằm mục đích đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Thống kê cho thấy, năm 2019, với mức tăng tối thiểu 5,3% mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu này. Vì vậy, với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5% được kỳ vọng là sẽ đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu. Việc xác định mức sống tối thiểu thường căn cứ theo “rổ hàng hóa” thực phẩm và cơ cấu chi phí thực phẩm, phi thực phẩm. Do vậy, các bên sử dụng lao động và bảo vệ người lao động sẽ phải thương lượng, thảo luận cả về chi phí thực phẩm chiếm bao nhiêu % mức sống tối thiểu rồi cung - cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, sản xuất, kinh doanh, việc làm, thất nghiệp và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực… Trên thực tế, thu nhập của người lao động đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng nhiều người vẫn không đủ sống nên phải tăng ca, làm thêm để nuôi sống bản thân và gia đình mình. Thường, cứ tăng lương thì các mặt hàng lại “té nước theo mưa” rồi tăng theo nên cuộc sống của nhiều người lao động vẫn rất khó khăn, bởi phải gánh nhiều loại chi phí như thuê trọ, điện, nước, xăng xe, chi phí chăm sóc con cái…

Biết rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sử dụng lao động vì phải tăng chi phí trả lương, bảo hiểm… Song, với cái nhìn thực tế đời sống của người lao động hiện nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tính toán, điều chỉnh ở mức được nhiều người mong đợi. Đó là sự thương lượng thiện chí của các bên để người lao động có được mức sống tối thiểu đúng nghĩa khi tăng lương tối thiểu vùng. Tăng lương cũng sẽ góp phần tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp…

TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=498
Quay lên trên