Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đặc biệt, ngành văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) luôn chú trọng tổ chức các hoạt động, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân trong việc bảo tồn các di sản văn hóa và đạt được những kết quả tích cực, góp phần “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).
Đoàn viên thanh niên tham quan Địa đạo Tam giác sắt. Ảnh: T.LÝ
Phong phú di sản văn hóa vật thể
Những ngày cuối tuần tại Di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) nhiều lượt khách đến tham quan làm cho không khí nơi mảnh đất thiêng này như “bừng tỉnh”. Đoàn tham quan chủ yếu là học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên các địa phương trong tỉnh, các tỉnh lân cận. Họ đến đây với mong muốn hiểu thêm về lịch sử đấu tranh của quân, dân Bình Dương trước họng súng, đòn roi của quân thù để Đất Thủ ngày nay văn minh, hiện đại. Cũng như Nhà tù Phú Lợi, 12 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 41 di tích xếp hạng cấp tỉnh của Bình Dương với loại hình phong phú và đa dạng về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh đã thu hút hơn 60.000 lượt khách đến tham quan trong năm 2016.
Để người dân đến với di tích, tìm hiểu các giá trị văn hóa, công tác bảo tồn, tôn tạo, trùng tu được đặc biệt chú trọng. Song song đó, công tác bảo tàng, sưu tầm và gìn giữ di sản văn hóa đã có nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị cao với khoảng 20.000 hiện vật các loại. Hàng năm, bảo tàng các nhà truyền thống thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Những địa điểm đó thật sự đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của các thế hệ người Việt Nam nói chung và của người dân Bình Dương nói riêng. Bà Văn Thị Thùy Trang, Trưởng ban Quản lý di tích và Danh thắng tỉnh cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp tốt với các đơn vị để tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, qua đó nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân và các cấp chính quyền trong việc bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử, coi việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ chính trị, gắn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Từ đó, những “địa chỉ đỏ” đã phát huy vai trò lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử thu hút đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan”.
Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể
Song song với văn hóa vật thể, công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai và thực hiện có hiệu quả, nhất là bảo tồn đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ, một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được Unessco công nhận. ĐCTT ở Bình Dương mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng đã khẳng định vị thế với 71 câu lạc bộ, nhóm ĐCTT, thu hút gần 1.000 thành viên sinh hoạt. Nơi đây cũng sinh ra những nghệ nhân, nghệ sĩ xuất sắc của loại hình nghệ thuật này. Trong các hội thi, hội diễn, nghệ sĩ Bình Dương đã gặt hái về cho tỉnh những huy chương, giải thưởng cao. Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh nói: “Để ĐCTT được gìn giữ và phát triển đúng chất của nó, trên cơ sở đề án bảo tồn và phát triển đã được duyệt, chúng tôi sẽ nhanh chóng có kế hoạch cụ thể ở từng ngành, từng đơn vị với chương trình làm việc riêng nhằm hỗ trợ hết mình cho ĐCTT được phát triển”.
Ngoài ra, Bình Dương cũng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, người dân di cư về Bình Dương an cư lạc nghiệp. Rời mảnh đất quê hương, họ mang theo những nét văn hóa đặc sắc, di sản văn hóa của dân tộc, vùng miền để Bình Dương ngày một phong phú về bản sắc văn hóa. Điển hình như quan họ Bắc Ninh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Loại hình nghệ thuật này tuy có mặt tại Bình Dương chưa lâu nhưng đến nay đã có CLB sinh hoạt (CLB dân ca Như Nguyệt).
Nổi bật trong năm 2016, Bình Dương đã hoàn tất việc nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể làng sơn mài Tương Bình Hiệp và đã được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Với tinh thần đó, Bình Dương tiếp tục nghiên cứu lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể võ Tân Khánh Bà Trà, làng nghề gốm…
“Mỗi người cần nhận thức rằng, những di sản văn hóa tồn tại đến hôm nay đã chứa đựng những giá trị mà cha ông sáng tạo, trải qua một quá trình kết tinh, chọn lọc và trao truyền lại. Những phong tục, tập quán từ những nghi lễ sinh hoạt, lời ăn tiếng nói, đến trang phục, kiến trúc... truyền thống đều chuyển tải giá trị, bản sắc riêng, nét đẹp riêng, là niềm tự hào của dân tộc. Để có được các di sản văn hóa, ông cha ta đã dày công gìn giữ, vun bồi. Cùng với thời gian, các giá trị ấy như một dòng chảy âm thầm, lặng lẽ nhưng có khả năng to lớn, là điểm tựa, là cội rễ góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho dân tộc Việt Nam. Do đó, tất cả mọi người hãy chung tay bảo vệ, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa để nó mãi trường tồn theo thời gian”.
(Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh)
THIÊN LÝ