Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể: Ngày càng được quan tâm

Cập nhật: 22-06-2019 | 09:29:06

Những năm gần đây, công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) trên địa bàn tỉnh được triển khai và thực hiện hiệu quả. Theo đó, nhiều loại hình di sản VHPVT đang ngày càng phát triển và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.

Tiết mục Nam đảo “Bình Dương mùa trái chín” do tứ ca biểu diễn tham gia liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể tại Khánh Hòa

 Về Bình Dương, nghe kể chuyện về sơn mài và đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về một địa phương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và chứa đựng đa dạng, phong phú các loại hình di sản VHPVT. Theo chia sẻ của ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Bình Dương có nhiều loại hình di sản VHPVT, tập trung nhiều nhất ở nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và lễ hội truyền thống, làng nghề. Trong đó, ĐCTT Nam bộ đã được UNESCO công nhận là di sản VHPVT đại diện của nhân loại vào năm 2013; sơn mài Tương Bình Hiệp được đưa vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia theo Quyết định số 1328 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào năm 2016. Để các di sản VHPVT ngày càng phát huy những giá trị, Bình Dương đã triển khai thực hiện các đề án bảo tồn và phát huy rất hiệu quả.

Sau thành công của Festival ĐCTT Quốc gia lần 2 năm 2017, Bình Dương đã nỗ lực triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT, giai đoạn 2018-2020”. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra, khảo sát tình hình hoạt động của các Câu lạc bộ ĐCTT trong tỉnh để có những chế độ chính sách giúp các nghệ nhân, tài tử có điều kiện sinh hoạt, truyền dạy sâu rộng trong cộng đồng. Năm 2018, Bình Dương đã tổ chức 2 lớp truyền dạy ĐCTT với hơn 100 học viên tham gia. Các học viên tham gia lớp học là các cán bộ văn hóa, hội viên, thành viên của các Câu lạc bộ ĐCTT các xã, phường, thị trấn, huyện, thị, thành phố và người mộ điệu trong tỉnh. Dự kiến, lớp truyền dạy ĐCTT khóa 3 sẽ được tổ chức vào đầu tháng 7 tới.

Ngoài ra, Chi hội Sân khấu Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, ngành văn hóa và thông tin cũng đã tổ chức một số buổi truyền cảm hứng tại các trường học trong tỉnh. Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đã thực hiện tiếp các chuyên đề truyền dạy ĐCTT như: “Truyền dạy ĐCTT và cải lương”, “Tìm hiểu ĐCTT Nam bộ”, “Nguồn gốc sân khấu cải lương” và “Bảo tồn và phát huy ĐCTT - sân khấu cải lương”… Với sự quan tâm và thực hiện quyết liệt đề án, phong trào ĐCTT của tỉnh đang ngày càng lớn mạnh. Mới đây, Bình Dương vinh dự đại diện cho các tỉnh, thành phố phía Nam tham gia trình diễn nghệ thuật ĐCTT tại liên hoan các di sản VHPVT do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa tổ chức. 7 tiết mục trình diễn của Bình Dương đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần quảng bá loại hình nghệ thuật di sản này ngày càng “bay cao, bay xa” hơn.

Bên cạnh những lời ca, tiếng nhạc của nghệ thuật ĐCTT, sơn mài Bình Dương cũng đang ngày càng vươn mình khẳng định vị thế. Với bề dày truyền thống và lịch sử phát triển, sơn mài Bình Dương ghi dấu ấn sâu sắc trong lịch sử phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương. Chính nghề truyền thống này đã tạo ra những lớp người, những thế hệ nghệ nhân đầy trí tuệ, sáng tạo và khả năng lao động, rèn luyện tay nghề không ngừng nghỉ đem cái đẹp đến với mọi người. Năm 2016, sơn mài Tương Bình Hiệp được đưa vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia theo Quyết định số 1328 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, UBND TP.Thủ Dầu Một đã thông qua Đề án “Bảo tồn, duy trì và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo”.

Với sự quan tâm và nỗ lực thực hiện, đề án đã bước đầu có nhiều khởi sắc. Đầu năm 2019, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức triển lãm “Sơn mài Bình Dương - dấu ấn trăm năm”. Đợt triển lãm trưng bày lần này có hơn 100 tài liệu, hiện vật và hình ảnh tiêu biểu mang đậm dấu ấn của sơn mài Bình Dương. Triển lãm có 4 chủ đề gồm: Dấu cũ nét xưa, kế thừa và phát huy, nghệ thuật - sáng tạo và vinh danh. Qua đó, hoạt động này đã góp phần tôn vinh những nghệ nhân, hoạ sĩ đã gắn bó với sơn mài thông qua những tác phẩm, sản phẩm của chính những họa sĩ, nghệ nhân làm ra.

Phấn khởi với những kết quả bước đầu của công tác bảo tồn và phát huy các di sản VHPVT ở Bình Dương, ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết các di sản VHPVT trong tỉnh đang ngày càng được các cấp chính quyền quan tâm hơn, các đề án bảo tồn và phát huy cũng được triển khai thực hiện quyết liệt hơn. Với sự quan tâm, đầu tư ngày càng nhiều của Nhà nước, các di sản VHPVT đã có thêm nhiều điều kiện để phát triển lành mạnh, góp phần gìn giữ và phát huy những tinh hoa quý báu của dân tộc.

THỤC VĂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=837
Quay lên trên