Bình Dương đang trong những ngày xuân rực rỡ, không khí mùa xuân gợi nhớ đến tinh thần đổi mới và khát vọng hùng cường của dân tộc. Nhắc chuyện nay để nhớ chuyện xưa khi đại dịch Covid-19 vừa qua như một cú hích để Bình Dương kiến tạo bền vững hơn nữa hành trình chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
“Bắt bệnh” tồn tại, bất cập
Bình Dương là tỉnh công nghiệp, nằm trong tứ giác phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tốc độ tăng dân số cơ học và tốc độ đô thị hóa cao, đặc biệt là ở địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp đã gây áp lực lớn cho Bình Dương trong chăm sóc sức khỏe người dân. Bàn về những bất cập, tồn tại của ngành y tế tỉnh nhà, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Nhận diện bài toán y tế tỉnh nhà một cách chính xác, cụ thể là bước đầu tiên nhằm tìm ra lời giải cho mọi vấn đề. Nói theo y học, để chữa được bệnh, trước hết phải tìm ra bệnh. Và đối với y tế, nếu muốn chữa lành những vết thương cần xuất phát từ việc xác định, chỉ mặt, gọi tên những thực tế còn tồn tại ngay trong chính hệ thống”.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được xem là giải pháp đột phá của ngành y tế tỉnh trong thời gian tới. Trong ảnh: Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong một ca phẫu thuật khó
Theo ông Nguyễn Lộc Hà, đơn cử như hệ thống y tế tỉnh đang quá tải. Sở dĩ có thực trạng như vậy là do tỷ lệ bác sĩ và giường bệnh trên vạn dân chưa đạt yêu cầu, còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hệ thống y tế đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, như: Mô hình bệnh tật thay đổi; tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; nhiều loại bệnh truyền nhiễm tăng mạnh; dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài... đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy năng lực đáp ứng hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh nói chung, hệ thống y tế cơ sở nói riêng bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Nhân lực y tế còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là trình độ chuyên môn cao và cần sớm củng cố, khắc phục.
Trong khi tìm lời giải cho những bài toán trên, một thách thức mới được dự báo trước là với quy mô dân số đạt khoảng 3,5 triệu người vào năm 2030, tỉnh cần đạt tiêu chí 29 giường bệnh và 11 bác sĩ/vạn dân. Để đạt tiêu chí này, tối thiểu tỉnh cần xây dựng 5.000 giường bệnh và hơn 1.900 bác sĩ, gấp đôi số giường bệnh và số bác sĩ hiện có. Đây là một thách thức lớn.
“Kê toa” để kiến tạo bền vững
Bàn về sự phát triển ngành y tế Bình Dương trong xu thế phát triển chung của đất nước, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế, cho rằng: “Việt Nam đang chịu gánh nặng bệnh tật kép. Bình Dương có những đặc điểm chung với cả nước và có những đặc điểm riêng là gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, các bệnh nghề nghiệp của người lao động. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 trên 95% bệnh nhân hài lòng với dịch vụ chăm sóc y tế, tỉnh phải nâng cao năng lực điều trị các tuyến; đổi mới tư duy lấy người bệnh làm trung tâm, quan tâm đến hệ thống cấp cứu, cấp cứu trước viện; tập trung đầu tư chuyên ngành để người dân tin tưởng ở lại tỉnh nhà trị liệu”.
Nhân lực y tế cũng là vấn đề tỉnh cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới
Đồng quan điểm đổi mới tư duy lấy người bệnh làm trung tâm, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhấn mạnh đến việc tái thiết hệ thống y tế cơ sở, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa trong chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.
Trăn trở trước những thách thức của ngành y và là người nhiều lần trực tiếp đến các cơ sở y tế trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 tại Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, cho biết: “Bình Dương cần có định hướng phát triển y tế tương xứng với tiềm năng vốn có của tỉnh. Đối với lĩnh vực điều trị, tỉnh cần đầu tư phát triển một số bệnh viện hiện đại, chất lượng cao, đóng vai trò là bệnh viện tuyến cuối, không chỉ thu hút người dân trong tỉnh mà còn các tỉnh lân cận đến khám, chữa bệnh và người nước ngoài làm việc trong vùng. Việc lựa chọn chuyên khoa, quy mô giường bệnh phải phân tích kỹ tính khả thi và hiệu quả đầu tư phù hợp với mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân”.
Nhấn mạnh đến vấn đề nhân lực, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng: “Hiện nhân lực y tế là yếu tố quan trọng hàng đầu, tỉnh cần quan tâm đến số lượng, chất lượng nguồn nhân lực y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao và y tế cơ sở; có chính sách đãi ngộ ở mức cao nhất để lực lượng cán bộ yên tâm công tác, cống hiến. Bộ Y tế ủng hộ phát triển các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh, kể cả đầu tư từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa; phối hợp, kết nối hỗ trợ các trường đại học y dược và các cơ sở đào tạo trong khu vực”.
“Bình Dương phải coi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là giải pháp đột phá và tiếp tục thu hút đầu tư của tư nhân cho chăm sóc sức khỏe để phối hợp, chia sẻ với y tế công lập nhưng cũng cần có các giải pháp để quản lý hiệu quả, chất lượng. Tỉnh tiếp tục ưu tiên phát triển mạng lưới y tế cơ sở, đổi mới cơ cấu và tổ chức trạm y tế xã, phường, thị trấn không theo đơn vị, địa giới hành chính mà theo khu vực và quy mô dân số theo nguyên lý y học gia đình”. (Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn) |
HOÀNG LINH