Bệnh glôcôm: Kẻ đánh cắp thị lực âm thầm

Cập nhật: 13-03-2020 | 08:24:22

Bệnh glôcôm (còn gọi là cườm nước) là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau bệnh đục thủy tinh thể (cườm khô). Đây là bệnh âm thầm tiến triển, người bệnh chỉ nhận ra mình đang mắc bệnh khi thấy mắt nhìn mờ...

Bệnh glôcôm dân gian thường gọi là bệnh cườm nước hay bệnh thiên đầu thống. Đây là bệnh lý ở mắt, xảy ra khi áp lực thủy dịch trong nhãn cầu tăng cao, tạo áp lực lên mắt. Người mắc bệnh này nếu để lâu không điều trị sẽ làm tổn hại thị thần kinh, làm mất thị trường và gây giảm thị lực dần dần, có thể gây mù lòa nếu không điều trị kịp thời. Vì thế các chuyên gia y tế hay ví von căn bệnh này là “kẻ giấu mặt thầm lặng” hay “kẻ đánh cắp thị lực âm thầm”.

Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh glôcôm: Tiền sử trong gia đình có người bị bệnh glôcôm; sử dụng corticoid trong thời gian dài; tiền sử bệnh tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp… Bệnh glôcôm có nhiều loại, thường gặp nhất là bệnh glôcôm góc mở. Đây là hình thái bệnh mạn tính, không triệu chứng hoặc triệu chứng rất âm ỉ, mờ nhạt nên nhiều người không biết mình bị bệnh, chỉ đến khi thị lực giảm sút trầm trọng mới phát hiện bệnh thì đã quá muộn. Áp lực trong mắt của người bệnh glôcôm góc mở tăng lên từ từ; cho nên người bệnh thường không bị đau đớn và không có triệu chứng. Tầm nhìn của người bệnh mất từ từ ở chung quanh, nhìn mờ dần và cuối cùng là mù hoàn toàn.

Ngược với glôcôm góc mở, những bệnh nhân bị glôcôm góc đóng thường có áp lực trong mắt tăng lên cao đột ngột làm cho mắt đau nhức, nhìn mờ, đau đầu, buồn nôn… Tuy nhiên, bệnh glôcôm góc đóng cũng có thể biểu hiện âm thầm (glôcôm góc đóng mạn tính) làm bệnh nhân không để ý; cuối cùng tổn hại thần kinh mắt.

Để phát hiện sớm căn bệnh “giấu mặt thầm lặng” này, bạn nên thường xuyên đi kiểm tra mắt, nhất là khi có những yếu tố nguy cơ bị glôcôm để phát hiện sớm khi chưa có triệu chứng. Khi đã có triệu chứng nghi ngờ glôcôm như nhức đầu, đau nhức mắt, mờ mắt, tầm nhìn bị hạn chế hoặc thấy ánh cầu vồng khi nhìn ánh đèn sáng trắng… bạn nên đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thăm khám 1 lần/năm với người trên 40 tuổi. Thăm khám 2 lần/năm với người có nguy cơ hoặc trên 65 tuổi. Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục hàng ngày… Ăn uống tăng cường dinh dưỡng cho mắt, như: Thực phẩm chứa nhiều Lutein và Zeaxanthin, cải xoăn, cải rổ, rau cần tây, rau diếp, dưa chuột… Ngoài ra, nên hạn chế những thức uống có chứa trà, cafein, cồn gây hưng phấn thần kinh, ảnh hưởng giấc ngủ; kiêng mỡ động vật.

Điều trị bệnh glôcôm là điều trị suốt đời. Việc điều trị glôcôm bao gồm thuốc (thuốc nhỏ mắt và thuốc uống), laser và phẫu thuật. Những điều trị này làm giảm áp lực trong nội nhãn về mức an toàn cho mắt. Bác sĩ mắt sẽ có thể tư vấn trên những lựa chọn điều trị riêng biệt. Thậm chí sau khi kiểm soát áp suất, việc theo dõi vẫn được thực hiện thường xuyên. Điều quan trọng nhất là phải phát hiện sớm bệnh glôcôm bằng cách thăm khám mắt định kỳ, điều trị liên tục, lâu dài để ngăn hoặc làm giảm nguy cơ mất dần thị lực và duy trì chất lượng sống cho người bệnh.

Hưởng ứng Tuần lễ glôcôm thế giới (từ ngày 8 đến 14-3), ngày 13-3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ tổ chức chương trình khám, đo nhãn áp, tư vấn bệnh glôcôm và cấp phát thuốc miễn phí cho 100 bệnh nhân. Đối tượng là bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên muốn tìm hiểu và tầm soát bệnh glôcôm. Mọi người có thể liên hệ qua số điện thoại 0916.505115 hoặc 0933.482777 để được hướng dẫn, đăng ký.

 BS. HUỲNH TRẦN DƯƠNG GIANG (Khoa mắt, BV Đa khoa tỉnh)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=187
Quay lên trên