Bài 1: Tình hình chung về bệnh tăng huyết áp và phòng bệnh tại cộng đồng
Tăng huyết áp (THA) là một bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), THA là một trong 6 yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng tới phân bố gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Tần suất THA trong cộng đồng ngày càng gia tăng và hiện tại đang ở mức rất cao, đặc biệt ở các nước phát triển: Tại các nước này có hình thái bệnh tật phổ biến chuyển đổi từ các bệnh nhiễm trùng chiếm phần lớn, sang các bệnh mạn tính không lây truyền là chính... Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, tỷ lệ THA ngày càng gia tăng.
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh THA trong cộng đồng như: tuổi cao, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, khẩu phần ăn không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều chất béo), ít hoạt động thể lực, béo phì, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn lipid máu, tiểu đường, tiền sử gia đình có người bị THA... Phần lớn những yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được khi người dân có hiểu biết đúng và biết được cách phòng tránh. Trừ các nguyên nhân từ tuổi tác, giới tính thì những thói quen không tốt như hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, ít hoạt động... có thể điều chỉnh để phòng, chống bệnh THA.
Các biến chứng của THA là rất nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa... Những biến chứng này có ảnh hưởng lớn đến người bệnh, gây tàn phế và trở thành gánh nặng cho gia đình người bệnh và xã hội.
Tài liệu trình bày tại lớp tập huấn phòng chống THA (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, ngày 24-11-2011), cho biết theo kết quả thống kê của Bộ Y tế tại các bệnh viện trong năm 2000, tỷ lệ mắc và tử vong của một số bệnh tim mạch, tính trên 100.000 dân như sau: tỷ lệ mắc bệnh suy tim là 43,70 (tử vong 1,20); tỷ lệ này ở THA nguyên phát là 131,13 (tử vong 0,40); nhồi máu cơ tim 7,62 (tử vong 1,02); tai biến mạch máu não 46,84 (tử vong 3,02).
Nếu như năm 1970 tỷ lệ mắc THA tại Việt Nam trong dân số chiếm tỷ lệ từ 6 - 8%, thì 20 năm sau đó tỷ lệ này là 12 - 14% dân số; đến năm 2000 lên đến mức 18 - 22% dân số bị THA. Theo một công bố hồi giữa năm nay của TS. Phạm Thị Hồng Thi, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, ở năm 2009 thì tỷ lệ này đã lên đến 25,1% với người trên 25 tuổi. Như vậy, với dân số người Việt Nam hiện nay, ước tính có khoảng 6,85 triệu người bị bệnh THA (trung bình mỗi năm tăng 0,46%), thì đến năm 2025 sẽ có khoảng 10 triệu người bị THA, nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời.
Một kết quả điều tra của trường Đại học Y Hà Nội trên 1.707.609 người dân đã cho kết quả THA là nguyên nhân chính (chiếm 59,3% các nguyên nhân) gây ra tai biến mạch máu não.
Tình hình chung này cho thấy trong truyền thông cộng đồng về y tế cần có những loại hình đa dạng hơn nữa để người dân hiểu và chủ động phòng ngừa THA. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp phòng, chống THA được đề nghị là xây dựng và triển khai mô hình dự phòng và quản lý bệnh THA tại cộng đồng như: Khảo sát tình hình bệnh THA (hiểu biết, yếu tố nguy cơ, tỷ lệ mắc bệnh... tại cộng đồng). Thực hiện theo dõi dọc theo thời gian, đo huyết áp định kỳ (1 lần/tháng), đánh giá các yếu tố nguy cơ của từng bệnh nhân, tư vấn về thực hiện lối sống lành mạnh để phòng và chống THA, phát thuốc điều trị THA cho bệnh nhân cần điều trị thuốc. Thành lập các câu lạc bộ THA tại cộng đồng. Câu lạc bộ sẽ sinh hoạt một lần hàng tháng, nội dung thảo luận chủ yếu tập trung vào thay đổi lối sống trong điều trị THA. Tư vấn và trao đổi trực tiếp giữa bệnh nhân và các chuyên gia tim mạch về dự phòng và điều trị đúng bệnh THA...
Từ những vấn đề nêu trên, công tác tuyên truyền phòng chống bệnh THA tại cộng đồng cần phải được triển khai một cách sâu rộng hơn nhằm nâng cao nhận thức đúng nghĩa của nhân dân về bệnh THA cùng các yếu tố nguy cơ; tăng cường năng lực của nhân viên y tế trong công tác dự phòng, phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh THA theo phác đồ do Bộ Y tế quy định... Bên cạnh đó người dân cũng phải chủ động tích cực thực hiện các biện pháp để tự phòng bệnh cho bản thân mình. (Còn tiếp)
MINH HƯƠNG