Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo ở Bình Dương đã tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với nhiều cách làm hay, thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng đồng hành với cấp ủy, chính quyền các cấp, thể hiện sự chia sẻ cao với cộng đồng.
Tích cực tham gia công tác thiện nguyện
Những ngày tháng cao điểm của dịch bệnh, hình ảnh các sư thầy, tăng ni Phật tử của nhiều chùa tất bật sắp từng thùng mì, bao gạo; nhặt từng cọng rau, củ khoai tây, bí đỏ, cà rốt, bắp cải… chuẩn bị trao cho đại diện MTTQ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh để kịp thời mang đi trao cho người dân có hoàn cảnh khó khăn thật ấm lòng. Trên tinh thần “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”, đồng thời thực hiện lời kêu gọi, vận động của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cùng toàn thể tăng ni, tín đồ Phật giáo Bình Dương trong thời gian qua đã tích cực tham gia công tác từ thiện, chăm lo cho đời sống người dân đang gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 cũng như góp phần hỗ trợ tích cực công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Cụ thể, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã vận động Ban Trị sự Phật giáo các huyện, thị, thành phố và các cơ sở tự viện, cá nhân tăng ni ủng hộ kinh phí mua thiết bị y tế và Quỹ vắc xin phòng Covid-19; tổ chức phát trên 70 tấn gạo theo hình thức máy ATM gạo; nấu và phát trên 100.000 suất sơm cho bà con trong khu cách ly, vùng phong tỏa và bệnh viện điều trị Covid-19; trao hàng trăm phần quà cho đồng bào dân tộc Chăm, Khmer gặp khó khăn do dịch bệnh; trao tặng hàng chục máy thở cho các cơ sở y tế; đề nghị các chùa, cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh thiết lập trai đàn cầu siêu và tiếp nhận tro cốt các nạn nhân quá vãng do đại dịch Covid-19.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”
Theo thống kê sơ bộ, tổng giá trị của toàn thể giới Phật giáo tỉnh đóng góp cho công tác phòng, chống dịch của địa phương đến thời điểm này khoảng hơn 40 tỷ đồng cùng với trên 150 tấn nông sản và nhiều vật tư thiết bị, dụng cụ y tế khác… Tịnh xá Ngọc Thuận (phường Thuận Giao, TP.Thuận An) là một trong những cơ sở tôn giáo có đóng góp cho địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Để san sẻ phần nào khó khăn với bà con, Tịnh xá Ngọc Thuận đã tích cực thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, chung sức cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo cho người dân, nhất là trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng.
Còn ở phường Phú Hòa (TP. Thủ Dầu Một), các tăng ni đã hưởng ứng phong trào “Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch”. Trong thời gian dịch bệnh bùng phát cao điểm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường Phú Hòa đã tiếp nhận 25 tình nguyện là tăng ni, phật tử cùng tham gia test Covid-19 sàng lọc, kịp thời “bóc tách” người nhiễm ra khỏi cộng đồng, góp phần hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh. Đồng thời, các cơ sở tôn giáo cũng đã vận động tín đồ phát huy tinh thần chia sẻ và chung tay tham gia các hoạt động thiện nguyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19…
“Tốt đời, đẹp đạo”
Bên cạnh các tăng ni, Phật tử, các linh mục, tu sĩ và tín đồ, đồng bào Công giáo tại Bình Dương cũng đã chung tay tham gia các hoạt động thiện nguyện, chia sẻ khó khăn với chính quyền địa phương và người dân, cùng nhau vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo Linh mục Trần Đình Phùng, đại diện Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Phú Cường, trong đợt dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn tỉnh, các giáo xứ tại Bình Dương đã ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức như ủng hộ tiền mặt, nhu yếu phẩm, nấu cơm từ thiện… cho người dân có hoàn cảnh khó khăn với giá trị lên tới gần 16 tỷ đồng. Đây là con số thống kê chưa đầy đủ vì thực tế nhiều giáo xứ chưa báo cáo. Riêng Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Phú Cường cũng đã ủng hộ nhiều lương thực, thực phẩm như gạo, mì, rau củ, thịt cá, sữa… với tổng giá trị 2,6 tỷ đồng… Những nghĩa cử và hành động cao đẹp của các chức sắc, tín đồ công giáo đã làm ấm lòng người dân, đồng thời góp phần vận động giáo dân thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, ngành y tế về phòng, chống dịch.
Đáng chú ý, để góp phần chia sẻ những khó khăn với lực lượng y tế đang ngày đêm chống dịch, trong thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã tổ chức 3 đợt ra quân cho các Phật tử, linh mục, tu sĩ tình nguyện lên đường chống dịch tại các địa phương có số ca mắc cao trong tỉnh. Ông Nguyễn Huỳnh Đình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết thời gian qua MTTQ các cấp trong tỉnh đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của UBND tỉnh. Cùng với đó, MTTQ tích cực kêu gọi các tổ chức tôn giáo phát huy tinh thần nhân văn, bác ái, đồng hành với chính quyền thực hiện các hoạt động an sinh xã hội thiết thực để chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch.
Đặc biệt, thời gian qua đông đảo các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch. Mới đây nhất, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã có lời kêu gọi tới các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh về việc ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, giúp các em học sinh khó khăn có thiết bị để học trực tuyến. Hiện nay, đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng các cơ sở tôn giáo trên địa bàn vẫn tiếp tục đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.
HUỲNH THỦY