Cán bộ, công chức tham gia phòng, chống dịch: Bài học đi về cơ sơ

Cập nhật: 03-11-2021 | 19:57:59

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, trong suốt quý 3-2021, Tỉnh ủy Bình Dương đã phát động các phong trào tình nguyện, xung kích của cán bộ, công chức (CBCC) cấp tỉnh về các cơ sở hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ở đâu khó, có cán bộ

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều mặt công tác, nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Tỉnh ủy đã huy động và kêu gọi nhiều đợt CBCC cấp tỉnh về hỗ trợ các địa phương chống dịch. Cụ thể, tỉnh đã huy động và cử tổng số 1.128 cán bộ, đảng viên của 92 đơn vị cấp tỉnh và tương đương tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Chính những “chiến sĩ” này đã giúp tỉnh giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh từ cơ sở, nhất là tại các “điểm đỏ”, “vùng đỏ”.

Ông Trịnh Đức Tài (đứng), Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch  

 Ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, chia sẻ trong quá trình tham gia phòng, chống dịch tại phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên, bản thân ông đã được trải nghiệm rất nhiều từ thực tế. Ngay trong lúc cao điểm của đại dịch, nhiều cán bộ của phường đã bị nhiễm Covid-19, áp lực, quá tải công việc, nhưng từ khi có chủ trương của tỉnh đưa CBCC cấp tỉnh, cán bộ quản lý cấp tỉnh về hỗ trợ địa phương như “liều thuốc bổ” tiếp thêm sức mạnh cho cơ sở vượt qua khó khăn chung, từng bước ổn định, kiểm soát tình hình dịch bệnh. “Chúng tôi đã học hỏi được nhiều từ thực tiễn ở cơ sở để báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh”, ông Tài cho biết.

Tinh thần ở đâu khó có cán bộ cấp tỉnh đã lan tỏa nhanh chóng tại 15 phường “vùng đỏ” của tỉnh và tại 91 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Ngay trong lúc “áp lực” nhất, chính những cán bộ, đảng viên cấp tỉnh đã có mặt kịp thời hỗ trợ địa phương, nhất là công tác báo cáo tình hình trực tiếp với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để có hướng giải quyết. Nhìn một cách tổng thể, cán bộ, đảng viên cấp tỉnh đã xung kích, bám sát chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo các cấp, vừa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động, chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, tập trung cao độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được tỉnh giao. Họ chính là những cán bộ của dân, tạo niềm tin trong nhân dân.

 Nhiều bài học kinh nghiệm

 Có thể khẳng định, các kế hoạch tham mưu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về phân bổ CBCC về cơ sở chống dịch đã phát huy tác dụng, tiếp sức cho các địa phương TX.Tân Uyên, TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TX.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một… kiểm soát tình hình dịch bệnh. Ông Trịnh Đức Tài cho biết qua đợt về cơ sở, những cán bộ quản lý cấp tỉnh đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiêm rất sâu sắc. Đó là tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, hết lòng hết sức hỗ trợ địa phương tháo gỡ các khó khăn chung trong công tác chỉ đạo. Nhiều vấn đề phát sinh ngoài thẩm quyền giải quyết, cán bộ cấp tỉnh kịp thời báo cáo với tỉnh hỗ trợ giải quyết và kiểm soát tình hình.

Cái hay của chủ trương đưa cán bộ cấp tỉnh về cơ sở là giúp cho cơ sở nắm chắc được định hướng của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong công tác phòng, chống dịch. Các lực lượng cán bộ cấp tỉnh đã cùng với sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ cơ sở kết hợp bài bản trong phòng, chống đại dịch. Trong đó, đáng chú ý là việc chủ động tuyên truyền tại các khu nhà trọ, công ty, xí nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng giúp sức hỗ trợ địa phương trong suốt quá trình chống chọi với đại dịch vừa qua.

Từ các chủ trương, kế hoạch trên, Bình Dương đã rút nhiều kinh nghiệm quý trong công tác phòng, chống dịch. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Sự lãnh đạo của các cấp ủy rất sát với tình hình thực tế. Chủ trương này thể hiện rõ sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở phải tham gia trực tiếp, đóng vài trò quan trọng trong phòng, chống dịch. Cán bộ, đảng viên cấp tỉnh đã hỗ trợ mạnh mẽ cho cơ sở có thêm sức mạnh nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người dân, hệ thống y tế để phát triển kinh tế - xã hội.

Các khu vực giãn cách, phong tỏa phải thực hiện nghiêm, thực chất, chắc chắn, hiệu quả; không để tình trạng “chặt ngoài lỏng trong” để nhanh chóng kiểm soát, ổn định tình hình dịch, không để dịch kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội. Một yếu tố quan trọng khác đó là tính chủ động trong công tác hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là tại cơ sở; chuẩn bị các phương án ở mức cao trong mua sắm, huy động các nguồn lực phòng, chống dịch, không để lúng túng khi dịch bùng phát; bảo đảm việc tổ chức và điều phối hiệu quả nguồn lực cho phòng, chống dịch, nhất là đối với chiến lược tiêm vắc xin toàn dân…

 Trong thời gian tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các cán bộ, đảng viên cấp tỉnh luôn tích cực tham gia, hỗ trợ địa phương, đơn vị mọi lĩnh vực liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; lãnh đạo địa phương cũng thường xuyên quan tâm, cung cấp đầy đủ các trang thiết bị y tế, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp tỉnh. Lực lượng CBCC từ tỉnh đến cơ sở đã cùng nhau phối hợp để hoạt động phòng, chống dịch đạt hiệu quả, từng bước kiểm soát tình hình dịch bệnh.

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=593
Quay lên trên