Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại hội nghị chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, vốn rót vào thị trường bất động sản và chứng khoán trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng hơn so với cùng kỳ, trong khi các ngành khác đều giảm. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 2 giảm 0,72% so với cuối năm ngoái, cho thấy vốn vẫn khó “bơm” vào nền kinh tế.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng cải thiện nhưng vẫn âm, do yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên đán, cùng khả năng hấp thụ vốn thấp. Giai đoạn đầu năm doanh nghiệp thường hạn chế vay mới. Thậm chí, nhiều đơn vị thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá vật liệu tăng, thiếu đơn hàng, người dân tăng dự phòng và giảm vay để chi tiêu. Kế đến, một số nhóm khách hàng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn khi quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi. Cùng với đó, cho vay của các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng do thị trường bất động sản chưa hồi phục, bởi nhóm này chiếm khoảng 21% tín dụng chung.
Tại Bình Dương, tình hình tín dụng khả quan hơn khi tổng vốn huy động đến thời điểm tháng 2-2024 ước đạt 303.000 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước; tổng dư nợ ước đạt 326.000 tỷ đồng, tăng 0,94% so với tháng trước. Tín hiệu vui cho kinh tế tỉnh nhà khi hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều đơn hàng hơn so với năm trước, nhu cầu vay vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nhiều hơn. Điều này sẽ thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng tốt hơn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, tình hình thế giới tiếp tục có những bất ổn ở một số nơi nên rất khó dự báo chính xác tình hình. Tiền không thiếu nhưng doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng trong mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp phải theo sát diễn biến tình hình toàn cầu, chính sách thương mại có tác động lớn đến xuất, nhập khẩu, để từ đó linh hoạt trong xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp.
KHẢI ANH