Cần khai thác, sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa, khẩn trương trùng tu các công trình, di tích lịch sử

Cập nhật: 24-12-2018 | 08:20:58

Đó là 2 trong số những kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau khi giám sát tình hình và kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư, sử dụng các thiết chế văn hóa - thể thao (TCVH-TT) trên địa bàn tỉnh Bình Dương mới đây. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh về vấn đề này.

 Lãnh đạo tỉnh khảo sát Khu di tích lịch sử Địa đạo Tam giác sắt

- Xin bà cho biết một số nhận xét về tình hình các TCVH-TT trong toàn tỉnh hiện tại?

- Thường trực HĐND tỉnh vừa có đợt tổ chức giám sát tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư, sử dụng TCVH-TT trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin của tỉnh, việc đầu tư các dự án TCVH-TT giai đoạn 2015-2018 cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ cho nhân dân trong toàn tỉnh. Hơn 558 tỷ đồng cho 32 dự án công trình TCVH-TT (chiếm 2,94%/ nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý). Toàn tỉnh hiện có 9/9 huyện, thị, thành phố có TCVH-TT trực thuộc các Phòng Văn hóa và Thông tin. Tổng số xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao, học tập cộng đồng là 48/91 xã, đạt tỷ lệ 52%. Các TCVH-TT cơ sở trên địa bàn tỉnh từng bước được hoàn thiện, gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo thêm nhiều sân chơi, giúp mọi tầng lớp nhân dân được tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần trong cuộc sống.

Thường trực HĐND tỉnh cũng đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác triển khai thực hiện việc đầu tư, quản lý, sử dụng các TCVH-TT cơ bản, bảo đảm công tác quản lý nhà nước và phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử.

- Thưa bà, nhân tiện nói về các di tích văn hóa lịch sử, bà có nhận xét gì về các “địa chỉ đỏ” như rừng Kiến An, Tam giác sắt, Nhà tù Phú Lợi...?

- Lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn trân trọng gìn giữ, bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích này. Đây còn là những “địa chỉ đỏ” vô cùng tự hào của Sông Bé - Bình Dương về một giai đoạn lịch sử vẻ vang của quân và dân tỉnh nhà trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội như hôm nay.

Các khu di tích như Tam giác sắt (quy mô hơn 17 ha) đã được xây dựng hoàn thiện. Trong đó có từng khu vực để trưng bày hiện vật chiến tranh, tư liệu hết sức có ý nghĩa cho các thế hệ con cháu đến tìm hiểu. Tính đến nay, việc tôn tạo, xây dựng mới khá hoàn thiện. Nhà tù Phú Lợi cũng là một trong những nơi được đánh giá cao trong việc tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ trẻ tinh thần yêu nước. HĐND tỉnh cũng đã đề nghị tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu đề ra theo chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy về phát triển sự nghiệp văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện các giải pháp quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các di tích văn hóa, lịch sử từ tỉnh đến cơ sở, nhất là đối với các thiết chế di tích văn hóa, khẩn trương trùng tu, sửa chữa các công trình, di tích lịch sử của tỉnh như: Rừng Kiến An, Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh...

Các “địa chỉ đỏ” sẽ luôn là nơi tham quan học tập cho thế hệ trẻ học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên trong và ngoài tỉnh. Nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống của Đảng bộ và quân dân trong tỉnh được các ngành, đoàn thể tổ chức hàng năm cũng sẽ được tổ chức gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội ở những nơi này, từ đó đóng góp tích cực vào công tác giữ gìn, phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử của tỉnh.

- Những đóng góp từ xã hội hóa TCVH-TT trong thời gian qua được thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Về vấn đề này, các chính sách xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống TCVH-TT được các ngành, các cấp phối hợp triển khai thực hiện tốt trong thời gian qua. Một số mô hình hoạt động khá hiệu quả ở các địa phương có thể kể đến như: Hồ bơi (góp phần rất lớn trong mở lớp dạy bơi, hạn chế đuối nước), các Câu lạc bộ bóng đá mini, phòng tập thể dục thể hình, điểm vui chơi cho thiếu nhi... thu hút đông đảo người dân đến tham gia sinh hoạt, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện thân thể, hưởng thụ văn hóa cho nhân dân.

- Thưa bà, qua kiểm tra, giám sát, có những tồn tại nào cần khắc phục để công tác khai thác, sử dụng TCVH-TT tốt hơn?

- Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian qua, đồng thời cũng đã chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như: Ngành văn hóa và một số sở, ngành liên quan có lúc chưa kịp thời triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh về phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin, nhất là đối với các TCVH-TT cơ sở. Việc đầu tư xây dựng các TCVH-TT tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm lực phát triển của tỉnh nhà. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản trong các năm qua thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra. Cụ thể là các hạng mục trùng tu, xây dựng tại rừng Kiến An, Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, Tượng đài Chiến khu Ð, Bảo tàng tỉnh. Mô hình thư viện ở cấp huyện, xã hoạt động không hiệu quả và không còn phù hợp cần có hướng khắc phục, sắp xếp hiệu quả hơn...

Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác, sử dụng các giá trị di tích lịch sử văn hóa còn bất cập, thiếu nhất quán, đồng bộ. Các di tích chưa được phát huy và nêu bật giá trị vốn có nên cần chú trọng hơn nữa về vấn đề này.

Một số vấn đề hạn chế khác có thể nói đến như: Đầu tư xây dựng các thiết chế chưa được xem xét đầy đủ tính hiệu quả, chưa bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư xây dựng với công tác chuẩn bị về nhân lực phục vụ cho công trình khi hoàn thành đưa vào sử dụng. Điều này nếu không tính toán kỹ, sẽ có lúc, có nơi còn gây nên lãng phí ngân sách không đáng có. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác văn hóa ở cơ sở còn kiêm nhiệm, có nơi thiếu nguồn nhân lực và yếu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ...

Đầu tư cho văn hóa - thể thao là vấn đề cần thiết, có ý nghĩa lâu dài và phải xứng tầm với sự phát triển chung của tỉnh. Các TCVH-TT cần được khai thác sử dụng hiệu quả, nhất là trong việc phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật, giáo dục ý nghĩa truyền thống, tạo điều kiện để rèn luyện sức khỏe cho người dân. Bên cạnh đó là nâng cao trách nhiệm quản lý về đầu tư, sử dụng các TCVH-TT trên địa bàn tỉnh hơn nữa thì tôi tin tưởng rằng, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ ngày càng phát triển, theo kịp sự đổi mới, tiến bộ và phát triển năng động như Bình Dương.

- Xin cảm ơn bà!

QUỲNH NHƯ(thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=670
Quay lên trên