Cần một hướng đi đúng để phát triển

Cập nhật: 13-06-2012 | 00:00:00

Trong những năm gần đây, Bình Dương đã bắt đầu chú ý đến việc phát triển du lịch làng nghề. Bởi thông qua đó, ngành du lịch tỉnh nhà sẽ có thêm nhiều sản phẩm phù hợp với đa dạng đối tượng du khách, đồng thời còn giúp cho các làng nghề có thêm nhiều cơ hội trong việc quảng bá, kinh doanh sản phẩm truyền thống. Thế nhưng, bên cạnh những thuận lợi sẵn có, cũng giống như các làng nghề khác trên cả nước, du lịch làng nghề Bình Dương vẫn có nhiều khó khăn, trăn trở khiến việc khai thác chưa thực hiện được hết tiềm năng.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc phát triển của du lịch làng nghề gặp trở ngại, trong đó sự yếu kém nội tại của các làng nghề chính là nguyên nhân hàng đầu. Hiện tại, hầu hết các làng nghề đều có cơ sở hạ tầng khó khăn, quy mô nhỏ lẻ nên rất khó khai thác du lịch. Tại không ít điểm du lịch làng nghề, du khách phải lắc đầu ngán ngẩm về sự đơn điệu của nó. Các sản phẩm du lịch có nhiều sự trùng lắp giữa các làng nghề. Khách tham quan đi đến làng nghề nào cũng thấy những quà lưu niệm như vòng đeo tay, dây đeo giống hệt nhau. Đặc biệt, điều thất vọng hơn đối với du khách là khâu thuyết minh ở nhiều làng nghề là gần như không có. Cá biệt, có không ít tour du lịch làng nghề còn thiếu ngay cả cái tối thiểu nhất là cung cấp cho du khách một bản thuyết minh tường tận về lịch sử làng nghề và đặc thù của những sản phẩm trong làng nghề ấy. Bên cạnh đó, tình trạng người dân ở các làng nghề thiếu kiến thức về du lịch và không biết ngoại ngữ cũng là một vấn đề nan giải. Người dân không có hiểu biết về tiếp thị, không được học cách tiếp khách du lịch... Kết quả là khách du lịch đến tham quan nhưng không biết phải tham quan cái gì, không hiểu gì về văn hóa cũng như tập quán sản xuất của nơi tham quan vì không có cơ hội tiếp xúc với người dân và công việc của họ...  ...và Lò lu Đại Hưng

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến việc phát triển du lịch làng nghề Bình Dương gặp nhiều khó khăn là do việc kết nối giữa du lịch với các làng nghề hiện nay vẫn còn thiếu gắn kết. Trong những năm qua, cũng đã có một số công ty du lịch lữ hành tiến hành khảo sát và đưa các làng nghề trên địa bàn tỉnh vào tour du lịch (như làng sơn mài Tương Bình Hiệp, Lò lu Đại Hưng, Lò chén, gốm Tân Phước Khánh...). Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị du lịch này, hiện các điểm đến chưa thật sự hấp dẫn. Đa phần các điểm đến vẫn chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm đặc trưng của làng nghề mà chưa tạo được dấu ấn riêng trong lòng du khách. Do đó nên có nơi cả tháng mới có du khách ghé thăm. Khách đến một lần rồi không bao giờ trở lại. Ngoài phí tham quan do đơn vị lữ hành chi trả, làng nghề không thu thêm được bất kỳ khoản nào từ hầu bao của khách hoặc nếu có thì cũng rất ít...

Vì vậy, để du lịch làng nghề được đưa vào khai thác có chiều sâu và duy trì hoạt động thường xuyên, các làng nghề cần có được sự quan tâm giúp đỡ từ các ngành chức năng nhằm có sự thay đổi tích cực. Đầu tiên là cần quan tâm đến chính sách con người như tôn vinh những nghệ nhân, cổ vũ tinh thần để họ duy trì và truyền nghề; khuyến khích lao động trẻ có trình độ tham gia sản xuất sản phẩm chất lượng cao; mở lớp đào tạo cho người dân làng nghề kỹ năng giao tiếp với du khách để giúp du khách tìm hiểu làng nghề và tiếp thị sản phẩm. Ngoài ra, các làng nghề cũng cần phải có thêm những sản phẩm tinh xảo, mới lạ, phù hợp với thị hiếu của khách hàng và những đổi thay của cuộc sống... Có như vậy, làng nghề mới thực sự là điểm dừng chân thú vị và hấp dẫn du khách.

Ngoài ra, để tạo được mối liên kết lâu dài và hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của các làng nghề và các công ty du lịch, cần có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Theo đó, rất cần các ngành chức năng chung tay thực hiện tốt quy hoạch, xây dựng các tuyến, điểm du lịch gắn với làng nghề trên địa bàn tỉnh một cách hợp lý, đồng thời hỗ trợ các làng nghề khôi phục, phát triển các nghề truyền thống. Cần cải thiện cơ sở hạ tầng kết hợp bảo vệ môi trường du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, việc khảo sát, xây dựng phát triển làng nghề gắn với các tuyến du lịch cũng rất quan trọng, trong đó tập trung tổ chức quảng bá về các làng nghề, sản phẩm làng nghề, cơ sở, hộ sản xuất và các nghệ nhân của làng nghề nằm trong các tuyến du lịch; lựa chọn, đào tạo hướng dẫn viên du lịch cho chính đội ngũ thợ thủ công trong các làng nghề là những yếu tố không thể thiếu.

Tiềm năng của du lịch làng nghề ở Bình Dương là không hề nhỏ. Vì vậy, nếu được đầu tư, tổ chức chuyên nghiệp, du lịch làng nghề không chỉ mang lại những giá trị thiết thực về kinh tế mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những bản sắc, tinh hoa văn hóa của tỉnh nhà.

HUY BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=261
Quay lên trên