Mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy kéo theo của vấn nạn mất cân bằng giới tính khi sinh đã và đang được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chuyên môn đặc biệt quan tâm. Để phòng tránh hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc khuyến cáo Việt Nam cần phải hành động và hành động nhanh để thay đổi nhận thức của người dân về dân số. Tại Hội nghị lần thứ 6 (khóa XII), Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 21-NQ/TW “Về công tác dân số trong tình hình mới” và tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội cũng đã dành một phiên thảo luận chuyên đề về vấn đề này.
Nghị quyết số 21-NQ/TW “Về công tác dân số trong tình hình mới” nêu rõ, sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình tuy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và đã ở mức nghiêm trọng, chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.
Một trong những điểm đáng lưu ý của Nghị quyết số 21-NQ/TW “Về công tác dân số trong tình hình mới” là mất cân bằng giới tính khi sinh, dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ. Vấn đề này cũng đã được các đại biểu Quốc hội chính thức nêu ra tại phiên thảo luận về bình đẳng giới của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vừa qua. Nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được các đại biểu chỉ ra là do ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo, trọng nam hơn nữ, nhiều gia đình luôn muốn có con trai để nối dõi tông đường. Cùng với đó là xu hướng gia đình ít con, trong khi hệ thống nuôi dưỡng người cao tuổi chưa phát triển, các bậc cha mẹ vẫn mong muốn khi về già được ở cùng con trai. Từ đó dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh.
Mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng tăng và có khả năng dẫn đến những hệ lụy khó lường. Theo con số thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoach hóa gia đình, năm 2006 tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh giữa nam và nữ là 109/100 và tăng nhanh trong các năm tiếp theo. Ước tính đến hết năm 2017, tỷ lệ này là 113/100. Còn theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, đến giữa thế kỷ này Việt Nam sẽ dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới trong độ tuổi trưởng thành. Đây là hậu quả hoàn toàn có thể tránh được nếu Việt Nam có những giải pháp tích cực ngay từ hôm nay. Hệ lụy kéo theo của tình trạng này là nam giới đến tuổi trưởng thành sẽ không lấy được vợ vì thiếu phụ nữ, làm gia tăng tội phạm về tình dục, tội phạm bắt cóc và tội phạm buôn bán phụ nữ…
Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Nghị quyết số 21-NQ/TW “Về công tác dân số trong tình hình mới” ra đời là “cẩm nang” để các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh thực hiện việc tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề dân số.
LÊ QUANG