“Những hình ảnh đột phá đầy ấn tượng về một Sông Bé trải qua những năm tháng vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương. Những câu chuyện thắm đượm nghĩa tình các vị lãnh đạo của thế hệ Sông Bé cũ. Những chia sẻ đầy tự hào đang thôi thúc những thế hệ trẻ của Bình Dương, Bình Phước hôm nay tiếp tục phấn đấu và cống hiến. Những bài hát chan hòa nhiều cảm xúc về tình đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau cùng phát triển của Bình Dương, Bình Phước chung dòng sông Bé…”. Đó là những cảm xúc đọng lại trong lòng của nhiều khán giả tham gia theo dõi chương trình cầu truyền hình “Chung dòng sông Bé”.
Chương trình vừa được thực hiện tại 2 điểm cầu Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh Bình Dương và Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Phước. Với thời lượng 120 phút, cầu truyền hình “Chung dòng sông Bé” đã ghi dấu chặng đường phát triển 20 năm qua của hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước.
Đến dự tại điểm cầu Bình Dương, ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé đã chia sẻ nhiều kỷ niệm về những ngày đầu khởi xướng chủ trương tách Sông Bé thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, quan điểm chung của lãnh đạo tỉnh khi quyết định thực hiện chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư”, những tiền đề thuận lợi và những khó khăn khi thực hiện chia tách tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh anh em ruột thịt Bình Dương - Bình Phước. Qua đó, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cũng gửi gắm nhiều hy vọng của mình với 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước trong tương lai.
Tiết mục “Bình Dương - Bình Phước chung dòng sông Bé” do Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Bình Dương biểu diễn
Tại điểm cầu Bình Phước, thầy Lý Thanh Tâm, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Quang Trung đã mang đến chương trình với niềm tự hào về những thành tích của cán bộ, giáo viên và học sinh trường THPT chuyên Quang Trung. Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng nhiều năm nay, trường luôn là một cái tên nổi bật trong các trường THPT trên cả nước; với nhiều HS giỏi cấp quốc gia; có nhiều thủ khoa, á khoa các kỳ tuyển sinh vào ĐH, cũng như điểm thi luôn nằm trong top đầu cả nước. Từ cái nôi này, nhiều học sinh của trường đã trưởng thành, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh, của đất nước hôm nay.
Để có được những thành quả tuyệt vời trên, Bình Phước đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của Bình Dương trong suốt 20 năm qua. Trong đó có nhiều công trình văn hóa, công trình giao thông… đã được hình thành, góp thêm cho tỉnh Bình Phước một diện mạo mới tươi sáng hơn. Có thể gọi đó là những công trình của tình đoàn kết, yêu thương giữa những người anh em đã từng chung một dòng sông Bé.
Chia sẻ tại điểm cầu Bình Dương về sự quan tâm, chăm lo đời sống cho công nhân đang làm việc trên địa bàn tỉnh của các ngành, các cấp, chị Nguyễn Ngọc Bích (Công ty TNHH Yazaki EDS) đã bộc bạch nhiều cảm xúc biết ơn. Từ sự biết ơn ấy, chị Bích đã có những nhận thức đúng đắn về vai trò của đội ngũ công nhân lao động trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Bình Dương. Chị nói: “Công nhân ngày nay cần phải xác định cho mình những mục tiêu phấn đấu, tự học thêm để nâng cao trình độ văn hóa, trình độ tay nghề cho bản thân để phát triển chính mình”.
Sau chia tách tỉnh, Bình Dương với lợi thế nằm ở cửa ngõ giao thương của miền Đông Nam bộ, với nền tảng của quá trình thu hút đầu tư, đã không ngừng vươn lên mạnh mẽ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Và những hình ảnh trong phóng sự “Bình Dương 20 năm phát triển và hội nhập” đã đưa khán giả cùng nhìn lại quá trình 20 năm phấn đấu vươn lên của Bình Dương trên con đường hội nhập. Xen kẽ trong những câu chuyện giao lưu với các vị khách mời là những thước phim tư liệu về truyền thống đấu tranh giải phóng Phước Long, giải phóng Thủ Dầu Một, phim tư liệu về ngày 1-1-1997, Bình Dương 20 năm phát triển và hội nhập cùng những tiết mục văn nghệ ca ngợi Sông Bé anh hùng và những thành tựu của Bình Dương và Bình Phước trong 20 năm tái lập như: Chung dòng Sông Bé, Tiếng chày trên sóc Bombo, Mỗi bước ta đi, Anh sẽ về thăm lại quê em, Bình Phước quê anh, Bình Dương thành phố trẻ, Về Bình Phước quê em, Mùa xuân trên thành phố mới Bình Dương, Bình Dương - Bình Phước chung dòng sông Bé.
MINH HIẾU - NHI PHẠM