Vượt lên số phận khẳng định bản thân tại Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật (TT), đó là hạnh phúc lớn của các em. Và hạnh phúc hơn, tại đây các em được một lần nữa tự tin hát ca, tự tin khẳng định mình trên sân khấu với những giai điệu hết sức đẹp là phần thưởng vô giá nâng cao tâm hồn của các em. Và ở đây, âm nhạc vẫn là niềm đam mê vô tận giúp các em thêm nghị lực sống với số phận kém may mắn của mình…
Có dịp tiếp xúc với các em khuyết tật ở TT tỉnh trong các hội nghị, hội diễn chúng tôi cảm phục ý chí vươn lên mạnh mẽ của các em. Trên sân khấu, bằng tình yêu, lòng đam mê, các em đã thả hồn mình vào những giai điệu hết sức trong trẻo, dễ thương. Lần theo sự hồn nhiên của các em, chúng tôi tìm đến TT và bao câu chuyện thú vị được trải lòng qua những nụ cười, những điệu múa… để được hiểu các em nhiều hơn. Anh Huỳnh Thái Phương, tổ trưởng tổ đào tạo nghề tại TT cho biết: “Vượt ra ngoài sự mặc cảm, các em đã sống trọn với đam mê của mình. Và âm nhạc đã giúp các em tự tin hơn, dám khẳng định bản thân mình với mọi người. Chúng tôi cũng thấy thán phục nghị lực của các em. Đội văn nghệ được thành lập đã giúp các em bản lĩnh hơn nhiều trong giao tiếp, với hòa nhập cộng đồng…”. Anh Phương chia sẻ thêm, đội văn nghệ đã thành lập bằng cái duyên, sự sẻ chia của các bạn trẻ đến từ khoa công tác xã hội của trường Đại học Thủ Dầu Một. Qua các buổi vui chơi, các bạn đã hiểu được sự cần thiết của những sân chơi dành cho các em tại đây bằng âm nhạc. Thế là những điệu nhảy dân vũ đã được trao cho nhau hết sức vui nhộn. Tâm hồn của các em ở đây cũng hết sức sảng khoái và từ đó các em gắn bó, chia sẻ cho nhau niềm vui ấy vào mỗi tối, hay vào những dịp giao lưu giúp các em có thêm tiếng cười, thêm niềm vui.
Tiết mục múa nón “Lối về xóm nhỏ” đoạt giải nhì tại hội diễn văn nghệ người khuyết tật tỉnh tháng 7-2016 của các em khuyết tật thuộc Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật tỉnh
Trong đội văn nghệ, hai em Đinh Thành Tâm, Lê Quốc Duy giờ đây là trụ cột chính để đưa đội vươn lên một cách mạnh mẽ. Khi các anh chị ở trường Đại học Thủ Dầu Một hoàn thành nhiệm vụ của mình thì chính Tâm và Duy tiếp tục tìm hiểu trên internet để những điệu múa được duy trì, tạo sân chơi vui vẻ cho các bạn tại TT. Như vậy, đã hơn 2 năm những điệu nhảy dân vũ như tiếp thêm sức mạnh cho các em bản lĩnh hơn, vui vẻ hơn trước số phận kém may mắn của mình.
Không dừng lại ở đó, các em còn có thêm những biên đạo múa, dàn dựng chương trình bất đắc dĩ như anh Nguyễn Cường (Trưởng phòng Đào tạo), chị Nguyễn Thị Lệ (giáo viên lớp may)… đã chắp thêm đôi cánh cho các em bay xa trên những sân chơi lớn hơn với mọi người xung quanh. Thế là những bài múa nón, múa quạt… hết sức mượt mà cũng đủ cho mọi người thấy được tình yêu, lòng đam mê của các em trước số phận nghiệt ngã của mình. Gặp gỡ các em trong đội múa như: Như Quỳnh, Thanh Phong, Hồng Nga… đều mà chúng tôi nhận được đó là sự hạnh phúc, niềm lạc quan khi nói về âm nhạc, về những điệu múa mà các em đang luyện tập. Ngay tại lớp may, Hồng Nga còn sẵn lòng biểu diễn những động tác mà em cho là thú vị cho chúng tôi xem. Quả thật bất ngờ cho chúng tôi bởi sự điêu luyện qua những động tác khó của Nga. Và bất ngờ hơn khi chúng tôi nghe được kết quả của quá trình luyện tập được đền đáp xứng đáng bằng giải nhì múa nón và giải ba múa quạt… tại hội thao văn nghệ dành cho người khuyết tật lần 7 năm 2016 tỉnh Bình Dương vừa tổ chức.
Vượt lên tất cả, các em muốn thể hiện mình, muốn cho mọi người biết được sự tự tin, lạc quan và cũng hết sức yêu đời bằng chính những giai điệu hết sức đẹp của cuộc sống. Chúng tôi tin rằng chính âm nhạc sẽ tiếp thêm nghị lực cho các em vượt qua số phận song hành với những giai điệu ngọt ngào.
SONG ANH