Người ấy đến khi tiếng cười đã vỡ/ khi niềm đau cỏ cháy rát chiều/ người ấy
như anh phớt đời và kiêu ngạo/ cái nhếch môi cười phảng phát cỏ hoang (Người
ấy..., Lê Thùy Vân).
Người ấy như anh, ngang tàng gió núi/ người ấy như anh/ nhìn em rất điệu... Đây là một bài thơ có cái tứ lạ: so
sánh hai chàng trai cho mối tình của người con gái. Ở đây sự trách hờn rất nhẹ
nhàng (dường chừng có chút cao ngạo!) nhưng thấm đậm nỗi đau cả phía bị “tình
phụ” lẫn “phụ tình” bởi sự so sánh (với ẩn chứa chút tinh quái!) với “người ấy”
của cô gái khi tình đầu tan vỡ. Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ (ông còn là nhà báo và
cũng là nhà giáo dạy văn Nguyễn Văn Bổn), bình: “Hình ảnh nghệ thuật của bài
thơ là một chiếc cân với hai nhân vật trữ tình: “anh” và “người ấy”. Ở hai đầu
cân, chiếc cân ấy nghiêng lệch bất thường. Trong quan hệ xã hội, “người ấy” bao
giờ cũng là nhân vật thứ ba, chắc chắn không thể thân thiết, có khi là xa lạ.
Còn “anh” thì hẳn nhiên phải là người gần gũi, thân yêu trong cái nhìn, trong
trái tim của người phụ nữ. Nhưng đó không phải là thứ trật tự không gian của Lê
Thùy Vân. Cả trật tự thời gian ở đây cũng bị đảo lộn: “dốc gió/ chiều nay/ em đi cạnh người ấy” và chính lúc này, “anh” mới
thật là người thứ ba”. Thế nhưng ở đây ngay cả “anh ấy” nhiều
khi cũng thấp thoáng của sự so sánh mà trong tình yêu người ta vì “tự ái” ít ai
chấp nhận sự cân đo nhịp đập trái tim với hình dung từ “như” được cô gái nhấn
nhá: người ấy như anh, ngang tàng gió
núi/ người ấy như anh/ nhìn em rất điệu.../ trong khoảnh khắc nhớ quên/ trong
hoang mang của tình yêu vụn vỡ/ em hờ hững quay đi... Dường chừng với
“như”, người ta chợt thấy trong cái ánh sáng lóe lên tựa một tia chớp giữa hiện
tại và quá khứ, mà trong đó tình yêu luôn ẩn chứa sự phức tạp trong tư tưởng, sự
đa đoan trong tình cảm của con người. “Và cũng chính vì thế, bài thơ tạo nên một
loại không gian - thời gian kép. Nơi ấy, không gian và thời gian như được lai
ghép: nó vừa ở đó, lại vừa ở đây, vừa ở ngày trước lại vừa ở lúc này; nó vừa thực
vừa ảo”. Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, đã chia sẻ như vậy. Nếu một ngày kia/ anh không buông tay em và nắm tay một người con gái
khác/ tình yêu đầu tan nát/ trong khờ dại mênh mang. Những trách thoạt nghe cứ tưởng chừng
nhẹ nhàng của thời con gái mới lớn dệt đầy hoa mộng, song tiếp sau đó là những
câu thơ vẫn mềm mại nhưng dứt khoát và chắc hẳn đọng lại lắm bâng khuâng ở người
con trai “phụ tình”: giờ người ấy đã
thành quen/ giờ người ấy đã thành thân thiết/ giờ người ấy đã nắm tay em rất chặt/
giờ người ấy đã đưa bờ vai rất thật/ trong yếu mềm em cần người ấy cạnh bên. Đúng chăng, trong cái ánh chớp của
tâm thức không đơn giản ấy (tình yêu nào muôn đời chẳng vậy!), trong cái
nghiêng lệch của chiếc cân nghệ thuật kia, bỗng hiện ra những bước chân của
thơ: có trách giận gì em không/ dốc gió/
chiều nay/ em đi cạnh người ấy/ anh là cơn gió bay. Quả tình con tim có những lý lẽ riêng
và chẳng cần ai cắt nghĩa, cho dẫu khi ấy tình
yêu đầu tan nát/ trong khờ dại mênh mang...HỒNG PHÚC