Chiến lược xây dựng nền tảng cho thành phố thông minh

Cập nhật: 12-10-2018 | 08:31:32

 Ngày 11-10, tiếp tục chuỗi sự kiện tại Hội nghị WTA 2018, Diễn đàn Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 đã diễn ra Phiên họp toàn thể I, II, III với các chủ đề liên quan đến năng lượng, môi trường bền vững, xây dựng thành phố thông minh (TPTM) và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Tham dự diễn đàn có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo thành phố Daejeon (Hàn Quốc), WTA cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 Các diễn giả thuyết trình tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2018

Tại các phiên toàn thể, 15 diễn giả đã trình bày, thảo luận các tham luận liên quan đến chiến lược phát triển hạ tầng TPTM; cơ hội và thách thức của năng lượng và môi trường bền vững; xây dựng nền tảng TPTM và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Chiến lược cho phát triển hạ tầng TPTM

Tại diễn đàn, giáo sư Juergen Pietsch, trường Đại học Hamburg (Đức), chia sẻ về vấn đề biến đổi khí hậu hệ sinh thái. Theo ông, đây là vấn đề thách thức gặp phải trong tương lai và phải có chiến lược về hạ tầng xanh, trong đó những dịch vụ về hệ sinh thái đô thị bao gồm lọc không khí, điều chỉnh vấn đề khí hậu với góc độ vĩ mô, vi mô. Lợi ích của những dịch vụ này là rất nhiều cho đô thị hiện nay. Tuy nhiên, lợi ích của dịch vụ này không đến một mình mà sẽ đi cùng với những rủi ro và thách thức, do đó cần có quản trị thông minh, quản lý một cách thông minh trong thành phố. Theo ông, cần những giải pháp dựa trên thiên nhiên, mang lại đặc tính của thiên nhiên, gần gũi với đô thị của chúng ta hiện nay.

Kết luận về vấn đề này, ông cho rằng có rất nhiều sáng kiến về hạ tầng xanh và cần kết hợp các tiềm năng một cách mạnh mẽ, cũng như cần có công cụ thông minh; không có TPTM nếu không có hạ tầng xanh thông minh.

Theo ông Rob Van Giel, nguyên Thị trưởng thành phố Eindhoven (Hà Lan), TPTM là sự hợp tác, niềm tin, đáp ứng yêu cầu của xã hội trước các thách thức chúng ta đang gặp phải. Ông nêu ra những chương trình hợp tác - công nghệ - doanh nghiệp-con người, trong đó không chỉ có doanh nghiệp mà còn có cả người dân cũng được hưởng lợi. Ông cho rằng trước thách thức về sự thay đổi rất nhanh của thế giới cần có những thí nghiệm về các sản phẩm mới, cách mới và nếu thất bại thì chúng ta phải chấp nhận và không thể dựa vào quá khứ phát triển để đặt luật lệ trong tương lai…

Tại phiên họp toàn thể lần II, các diễn giả đã đưa ra thực trạng về thách thức ngày càng lớn giữa nhu cầu và nguồn cung năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… đang cạn kiệt. Thực tế đó đặt ra yêu cầu về bảo vệ môi trường trở nên cấp bách, áp lực đối với việc thực hiện chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững. Để giải quyết vấn đề này, theo các diễn giả, các đô thị trên thế giới đã xây dựng nhiều mô hình mới về thành phố tương tác tiết kiệm 50% năng lượng; hệ thống chiếu sáng thông minh có thể kết nối quản lý, xử lý từ xa; các mô hình sử dụng nguồn năng lượng mới, tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời cùng giải pháp xanh tại các đô thị thông minh tại châu Âu…

Thảo luận về vấn đề “Cơ hội và thách thức của năng lượng và môi trường bền vững”, giáo sư Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu và Quản lý khoa học Viện Quốc gia và Năng lượng mặt trời (Pháp) đã trình bày về tình hình phát triển năng lượng tại Việt Nam; vấn đề phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần có các giải pháp và nên phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai.

Nền tảng TPTM Bình Dương

Thuyết trình về vấn đề TPTM và môi trường, theo ông Sergio Arzeni, Chủ tịch Tổ chức doanh nghiệp vừa và nhỏ Italia, nguyên Giám đốc Trung tâm doanh nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và phát triển địa phương của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cần có tiêu chí cho Việt Nam trong đổi mới sáng tạo để giúp Việt Nam thoát khỏi các bẫy về thu nhập bình quân. Bên cạnh đó, Việt Nam cần thu hút được các nhà đầu tư trong phát triển về vườn ươm doanh nghiệp và các dự án lớn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì đề cập đến vấn đề không chỉ khoa học - công nghệ phục vụ phát triển TPTM, mà bản thân TPTM trở thành hệ sinh thái, môi trường để hệ sinh thái giúp cho môi trường phát triển, thông minh hơn. Ông cho biết, hiện nay Chính phủ đang tập trung chiến lược quan hệ đối tác công tư đồng tài trợ. Như vậy, chỉ cần lãnh đạo chính quyền tạo ra cơ chế thì đơn vị tư nhân đó sẽ tạo ra sự thông minh này.

Ông Duy nhận định, Bình Dương sẽ là nơi rất thuận lợi cho việc triển khai mô hình như thế này; đồng thời chia sẻ vấn đề đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp hiện đang lan rộng khắp Việt Nam và nhận được sự quan tâm của các nước trên thế giới. Ông hy vọng qua hội nghị sẽ lan tỏa vấn đề này và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Thảo luận tại phiên họp, ông Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, cho rằng Bình Dương đang trong quá trình xây dựng TPTM, do đó có thể học hỏi các xu thế TPTM của Nhật, trong đó tập trung vào vấn đề năng lượng với các phương thức và quản lý khác nhau, quy mô khác nhau, các yếu tố tham gia của người dân ngay từ đầu về đổi mới sáng tạo. Chia sẻ vấn đề hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, theo ông cần sắp xếp lại hệ sinh thái với cách nhìn khác gồm 3 cấu phần chính là lĩnh vực công, lĩnh vực tư và con người (người dân). Ông cũng muốn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của lĩnh vực công trong phát triển đổi mới sáng tạo. Theo ông, tỉnh Bình Dương là nơi rất phù hợp để bàn và phát triển về TPTM, hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp.

PHƯƠNG LÊ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=627
Quay lên trên