Chiến lược y tế sống chung an toàn với dịch

Cập nhật: 16-09-2021 | 08:03:53

Khi trở về trạng thái “bình thường mới”, sống chung an toàn với dịch bệnh Covid-19, Bình Dương xác định trong một khoảng thời gian tỉnh vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận khoảng 2.000 ca nhiễm mỗi ngày. Do đó hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh được sắp xếp, củng cố lại toàn diện, giúp người dân tiếp cận nhanh nhất dịch vụ y tế.

Củng cố hệ thống khám, chữa bệnh

Sau ngày 15-9, ngành y tế tỉnh sẽ triển khai tổng thể các giải pháp trong điều kiện “bình thường mới”. Theo đó, 7 nhóm nội dung sẽ được ngành y tế triển khai thực hiện với nguyên tắc lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài” chống dịch, người dân là chiến sĩ là trung tâm, chủ thể phòng, chống dịch. 8 nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: Ngăn chặn mầm bệnh, triển khai phương án cho người dân ra đường, thay đổi chiến lược xét nghiệm, tăng tốc tiêm vắc xin, củng cố công tác khám, chữa bệnh, kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh, tiếp nhận hồ sơ nhập cảnh cho người nước ngoài.

Sau ngày 15-9, chiến lược xét nghiệm sẽ thay đổi. Trong ảnh: Xét nghiệm cộng đồng cho người dân ở “vùng đỏ” thuộc TP.Dĩ An

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, sau ngày 15-9, hệ thống y tế được sắp xếp, củng cố trên nguyên tắc giữ các bệnh viện dã chiến, các khu điều trị Covid-19. Dự báo trong giai đoạn “bình thường mới” tỉnh vẫn tiếp tục ghi nhận ca mắc mới với khoảng 2.000 ca mỗi ngày trong một khoảng thời gian. Vì vậy, các bệnh viện dã chiến, khu điều trị Covid-19 cần tiếp tục giữ lại để tiếp nhận, điều trị cho số bệnh nhân có triệu chứng trong số bệnh nhân mắc hàng ngày.

Tuy nhiên, các bệnh viện dã chiến, khu điều trị sẽ được sắp xếp tinh gọn theo nguyên tắc: Đủ, tinh, hiệu quả nhằm đáp ứng tốt điều trị, giảm chi phíđầu tư. Đặc biệt, ngành tập trung vào đối tượng bệnh nhân tầng 1, 2 để cứu sống khoảng 95% bệnh nhân; quan tâm đầu tư vào các bệnh viện dã chiến, khu điều trị tầng 3 cho bệnh nhân nặng, nguy kịch. “Cũng sau ngày 15-9, số lượng bệnh nhân hàng ngày khoảng 2.000 người thì chỉ cần giữ một số bệnh viện dã chiến, khu điều trị Covid-19 để tiếp nhận điều trị. Do đó, số cơ sở y tế còn lại nhất là các cơ sở y tế công lập cần được giải phóng, trở lại hoạt động bình thường, thực hiện khám, cấp cứu các bệnh thông thường”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương cho biết thêm.

Song song với việc giữ lại các bệnh viện dã chiến, khu điều trị, ngành tiếp tục mở rộng mạng lưới trạm y tế lưu động kết hợp trạm y tế truyền thống tại các địa phương. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, tại các địa phương “vùng xanh”, ngành sẽ quyết tâm thành lập từ 1 - 2 trạm y tế lưu động kết hợp; tại các địa phương “vùng đỏ, cam, vàng” thành lập từ 1 - 3 trạm lưu động kết hợp với trạm y tế truyền thống để phối hợp thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh thông thường, hỗ trợ điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà; tư vấn khám, chữa bệnh, vận chuyển các trường hợp bệnh cấp cứu vào các cơ sở y tế. Trong khi đó, tại các khu, cụm công nghiệp có từ 5.000 - 7.000 công nhân cũng có ít nhất 1 trạm y tế lưu động.

Thay đổi chiến lược xét nghiệm

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, sau ngày 15-9, chiến lược xét nghiệm sẽ thay đổi. Đặc biệt, sau khi toàn dân được tiêm 2 mũi vắc xin thì việc xét nghiệm diện rộng cộng đồng không còn ý nghĩa. Trước mắt, trong tháng 9, ngành cùng các địa phương kiên trì xét nghiệm ở những “vùng đỏ” theo công thức 1-3-5, làm đến đâu sạch đến đó để chuyển hóa các địa bàn; đồng thời khuyến khích người dân tự xét nghiệm tại nhà. Đối với công ty trong các khu, cụm công nghiệp do Sở Công thương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh hướng dẫn thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần, tự kiểm soát đầu vào, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm an toàn sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp tự cách ly, điều trị F0 nếu đủ điều kiện.

Trong khi thay đổi chiến lược xét nghiệm, ngành y tế cũng đẩy mạnh tiêm vắc xin. Hiện dân số toàn tỉnh khoảng 2,5 triệu người. Để tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn dân, tỉnh cần khoảng 4,7 triệu liều vắc xin, tính cho cả đối tượng từ 12 - 18 tuổi. Đến thời điểm này tỉnh đã tiêm được khoảng 1,8 triệu liều/ khoảng 2,1 triệu liều đã nhận. Như vậy, để người dân được tiêm 2 liều vắc xin, tỉnh cần được Bộ Y tế phân bổ thêm khoảng 2,7 triệu liều. Trong 2,7 triệu liều này gồm 750.000 liều Vero Cell, 1,5 triệu liều Astrazeneca, 150.000 liều Pfizer và 500.000 liều Moderna. Do đó nếu vắc xin được cung cấp liên tục, đầy đủ, khoảng đầu tháng 10-2021 Bình Dương sẽ hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho toàn bộ người dân trong tỉnh.

HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=816
Quay lên trên