Chống cả “virus tâm lý đám đông”

Cập nhật: 23-05-2019 | 08:35:04

Tính đến thời điểm này, bệnh dịch tả heo châu Phi (African Swine Ferver - ASF) vẫn đang có những diễn biến phức tạp, đã lan rộng trên nhiều tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Sau khu vực Đông Nam bộ, trong đó có Bình Dương, bệnh dịch tả heo châu phi đã xuất hiện tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Hậu Giang, An Giang... Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của bệnh dịch, cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng, chống, dập bệnh dịch hiệu quả, còn cần phải chú trọng công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng, đầy đủ về bệnh dịch này, chống “virus tâm lý đám đông” lây lan trong cộng đồng. 

Như trên đã nói, dù đã chủ động với nhiều biện pháp phòng, chống dịch, nhưng hiện nay virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại Bình Dương khi trên địa bàn xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo xuất hiện một ổ bệnh dịch. Thông tin này ít nhiều đã ảnh hưởng đến tâm lý người dân, nhiều người không khỏi lo lắng, có người vội vàng “tẩy chay thịt heo” vì sợ ăn phải heo nhiễm bệnh... Điều này vô hình trung lại làm cho “virus tâm lý đám đông” lây lan, nhất là ở các khu vực chợ, hay những nơi tập trung mua bán về thực phẩm, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Trước thông tin về bệnh dịch tả heo châu Phi, người tiêu dùng cần phải nhận thức đúng và đầy đủ: Loại virus gây dịch này chỉ gây bệnh trên heo, không gây bệnh trên người. Theo đại diện Bộ Y tế, cụ thể là PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng khẳng định: “Bệnh dịch tả heo châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, không nên tẩy chay sản phẩm thịt heo”. Cũng theo ông Phu, bệnh dịch tả heo có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Còn theo nghiên cứu của tạp chí Vi sinh học Thú y (Veterinary Microbiology - Thụy Sĩ), virus gây dịch tả heo châu Phi tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C... Như vậy, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng thịt heo có nguồn gốc rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, đồng thời tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...

Do đó, trước những diễn biến vẫn còn phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi, việc nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất, nguy cơ của bệnh dịch trong công tác phòng, chống và dập dịch là điều rất quan trọng. Hay nói cách khác, cùng với những biện pháp quyết liệt chống bệnh dịch tả heo châu Phi, còn cần phải tăng cường truyền thông để chống cả sự lây lan của “virus tâm lý đám đông”. Khi người dân có nhận thức đúng và đầy đủ, công tác phòng chống bệnh dịch sẽ hiệu quả hơn, đặc biệt là không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi heo.

 THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=395
Quay lên trên