Chống dịch, chống nhiễu thông tin

Cập nhật: 31-05-2019 | 11:40:04

Bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn đang có những diễn biến, phức tạp, khó lường, gây thiệt hại đối với nền kinh tế, đặc biệt là đối với người nông dân, cụ thể là người chăn nuôi heo. Trung ương và các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương, trong đó có Bình Dương đã và đang chỉ đạo, quyết liệt thực hiện các biện pháp để bảo đảm công tác phòng chống, dập dịch bệnh một cách hiệu quả, giảm bớt những thiệt hại do bệnh dịch này gây ra.

Ngay từ khi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở một số tỉnh, thành trong nước, dù chưa xuất hiện ở Bình Dương, công tác phòng, chống dịch bệnh đã được cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng tại địa phương phản ứng nhanh, thông qua việc chỉ đạo, nhằm bảo đảm tính chủ động trong thực thi các biện pháp phòng, chống dịch. Khi bệnh dịch tả heo châu Phi “áp sát Bình Dương” với 2 tỉnh lân cận là Đồng Nai, Bình Phước xảy ra bệnh dịch, cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng tại địa phương đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống; các cơ sở chăn nuôi heo, chốt kiểm soát động vật trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn giáp ranh, đã thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, bệnh dịch tả heo châu Phi vốn chưa có vắc xin chữa trị vẫn diễn biến phức tạp. Tính đến nay, cả nước đã có gần 50 tỉnh, thành xuất hiện bệnh dịch này, trong đó có Bình Dương.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi, ngày 22-5-2019, Tỉnh ủy Bình Dương đã có Công văn số 2328-CV/TU về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng chống, khống chế bệnh dịch này trên địa bàn tỉnh, với yêu cầu: Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và các cơ quan liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20-5- 2019 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 192/TB-VPCP ngày 17-5-2019 của Văn phòng Chính phủ về triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của bệnh dịch tả heo châu Phi; thông tin kịp thời, chính xác cho người dân theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt heo, tránh gây hoang mang trong xã hội... Từ chỉ đạo này, các ngành chức năng, đơn vị, địa phương đã và đang vào cuộc tích cực, chủ động phòng chống bệnh dịch, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, bảo đảm xử lý khoanh vùng, chống bệnh dịch lây lan và về cơ bản đã hạn chế những thiệt hại do bệnh dịch gây ra, ổn định thị trường, bảo vệ người chăn nuôi heo.

Vậy nhưng, thời gian qua trong khi các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi đang được Bình Dương triển khai tích cực, vẫn xuất hiện những luồng thông tin gây nhiễu dư luận, làm ảnh hưởng đến tâm lý xã hội cũng như công tác chỉ đạo, phòng chống bệnh dịch này tại địa phương. Do đó, cùng với những biện pháp phòng chống bệnh dịch, cần phải cảnh giác, phòng chống cả những thông tin xấu, thiếu tính xây dựng, có hại cho xã hội và làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Những hành vi nói trên cần được chế tài, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.q

 THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=500
Quay lên trên