Chống ngập

Cập nhật: 22-10-2013 | 00:00:00

Đối với nhiều bà con sống ven sông rạch thì chuyện mưa nhiều, nước ngập luôn là nỗi trăn trở, lo lắng. Mấy ngày qua, một số hộ dân thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, huyện Bến Cát đang chung cùng nỗi lo ấy. Đặc biệt, cuối tuần qua, trận ngập lụt lịch sử xảy ra trên địa bàn thị trấn Mỹ Phước (Bến Cát) đã làm cho 615 gia đình bị ảnh hưởng nặng nề về tài sản, rất may là không xảy ra thiệt hại về người.

 Nhờ có phương án phòng chống lụt bão trước đó, nên ngay khi xảy ra ngập, lực lượng phòng chống lụt bão huyện Bến Cát phối hợp các ngành có liên quan và lực lượng quân sự địa phương đã dùng xuồng, ca nô đến những khu vực bị ngập nặng để ứng cứu dân. Lo cho dân, ngay khi vụ việc vừa xảy ra, lãnh đạo huyện, tỉnh đã đi thị sát thực tế, có hướng giúp đỡ dân khắc phục hậu quả. Riêng lãnh đạo tỉnh đã đến thực tế tại hiện trường, nắm tình hình ngập úng và đã có những chỉ đạo kịp thời. Tỉnh đã lên phương án sẵn sàng xử lý tiêu độc và vệ sinh môi trường trong khu vực này khi nước rút.

Miền Đông Nam bộ nói chung, Bình Dương nói riêng, bão, lũ lụt ít xảy ra. Do đó người dân chưa có kinh nghiệm trong việc ứng phó với bão lụt. Từ vụ ngập lụt vừa qua, ngành chức năng cần tính đến việc hướng dẫn người dân chủ động ứng phó trước, trong và sau khi lũ lụt xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của. Ở những xã ven sông Đồng Nai, Sài Gòn có nguy cơ xảy ra ngập nặng hoặc sạt lở đất trong mùa mưa, như: khu vực xã Bình Nhâm, An Sơn (TX.Thuận An), phường Phú Thọ (TP.TDM)… bà con luôn trong tư thế sẵn sàng di dời lên chỗ cao khi thời tiết có diễn biến bất thường. Nói đến ngập lụt là nói đến cuộc sống bị đảo lộn. Ngập lụt xảy ra, cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng, hư hại nghiêm trọng. Vì thế, những địa phương bị ngập lụt cần sự quan tâm hỗ trợ giúp đỡ như giải quyết khắc phục hậu quả sau lụt, ổn định đời sống, giúp đỡ về nguồn vốn sản xuất, chăn nuôi như khoanh nợ, hỗ trợ vốn. Công tác phòng chống dịch bệnh sau ngập cũng cần được chú trọng…

Mùa mưa vẫn chưa kết thúc, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không ai có thể lường trước được. Từng địa phương cần tăng cường công tác sẵn sàng đối phó với bão lụt sát với tình hình địa phương. Về lâu dài, ngành chức năng có liên quan cũng cần có những phương án, giải pháp chống ngập lụt trên địa bàn tỉnh nói chung, tại các điểm có khả năng bị ngập nói riêng một cách hữu hiệu.

Song song đó, cần có dự báo chính xác về các đợt triều cường kết hợp mưa lớn kéo dài giúp dân ứng phó tốt với tình hình ngập lụt có thể xảy ra.

 DÂN THƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=297
Quay lên trên