Chủ động bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

Cập nhật: 31-05-2019 | 09:22:00

Hiện nay, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có hơn 30.500 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 327 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trước tình trạng tội phạm xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, các ngành chức năng huyện Dầu Tiếng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị XHTD.


Đại diện Công an huyện Dầu Tiếng phổ biến các phương thức, thủ đoạn của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cho người dân hiểu rõ

Theo báo cáo của Công an huyện Dầu Tiếng tại hội thảo bàn về phòng, chống xâm XHTD trẻ em trên địa bàn huyện, trong 5 năm (2013-2018), Công an huyện đã tiếp nhận 31 tin báo về tội phạm XHTD trẻ em. Kết quả, Công an huyện đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh 2 tin; ra quyết định khởi tố điều tra theo thẩm quyền 25 tin và không ra quyết định khởi tố 4 tin (không có dấu hiệu tội phạm). Chỉ riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Công an huyện Dầu Tiếng đã tiếp nhận 8 vụ tội phạm XHTD trẻ em; đã khởi tố điều tra 1 vụ, 1 bị can; chuyển Công an tỉnh thụ lý theo thẩm quyền 2 vụ, 2 bị can; đang điều tra 3 vụ và không khởi tố 2 vụ.

Qua công tác điều tra cho thấy, các vụ XHTD trẻ em đều xảy ra tại địa bàn các xã giáp ranh, các tuyến đường vắng, vườn cao su… Phần lớn các “yêu râu xanh” là dân địa phương, không có nghề nghiệp ổn định, có mối quan hệ quen biết, yêu đương với nạn nhân qua các trang mạng xã hội hoặc các mối quan hệ đời thường. Đặc biệt, nạn nhân trong các vụ XHTD trẻ em thường không được người thân quan tâm, chăm sóc, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mặt khác, một số em nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật, giới tính nên tò mò tìm hiểu dẫn đến bị đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo.

Trước tình hình trên, các ngành chức năng huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong công tác tuyên truyền, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện nhiều chương trình phòng, chống tai nạn thương tích, XHTD trẻ em bằng nhiều hình thức như phối hợp với Đài Truyền thanh huyện thực hiện 344 chương trình “Gia đình và Trẻ em” với hơn 1.400 tin, 344 bài và 200 câu hỏi - đáp pháp luật; cấp phát 27.000 tờ rơi, 250 cuốn tài liệu tuyên truyền…

Các ngành chức năng huyện còn phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn và nói chuyện chuyên đề cho các cán bộ chuyên trách và cộng tác viên tại các xã, thị trấn. Các mô hình hay về phòng, chống tai nạn thương tích và XHTD trẻ em cũng đã góp phần tích cực vào công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn huyện.

Nói về vai trò của nhà trường đối việc phòng ngừa tội phạm XHTD, bà Phạm Thị Bích Ngọc, Phó trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Hiện nay, việc rèn kỹ năng sống và giảng dạy kiến thức phòng, chống XHTD cho học sinh là một trong những nội dung được ngành giáo dục chú trọng thực hiện song song với các phong trào thi đua khác trong tất cả các bậc học toàn ngành. Để thực hiện tốt công tác này, các trường học đã tăng cường lồng ghép các kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa và xử lý tình huống vào các môn học chính khóa để giúp học sinh tự bảo vệ bản thân. Đặc biệt, Phòng Giáo dục - Đào tạo còn tăng cường phối hợp với Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe vị thành niên cho hàng ngàn học sinh trung học cơ sở. Tại đây, các em được các chuyên gia cung cấp thông tin và kỹ năng cơ bản về sức khỏe sinh sản, góp phần giúp các em nâng cao nhận thức bảo vệ và tự chăm sóc bản thân. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với phụ huynh đưa ra những tình huống cụ thể mà các em có thể gặp nguy hiểm để biết cách phòng tránh”.

Trong khi đó, thiếu tá Lê Hữu Trân, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an huyện Dầu Tiếng, cho biết thời gian qua, Công an huyện đã nỗ lực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các vụ án liên quan đến tội phạm XHTD trẻ em. Công an huyện thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới tính, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ em; tăng cường công tác quản lý các đối tượng hình sự, nhất là đối tượng từng phạm tội XHTD.

Qua kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuyên truyền về XHTD trẻ em trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, ông Nguyễn Văn Sê, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Dầu Tiếng, cho biết qua theo dõi và phân tích số liệu các vụ XHTD trẻ em trên địa bàn huyện cho thấy có đến 59,9% “yêu râu xanh” là người quen, hàng xóm của nạn nhân và 21,3% là người thân trong gia đình và chỉ có 12,6% là người lạ. Đáng chú ý số trẻ em bị XHTD ngày càng nhỏ tuổi, có đến 30% trẻ em bị XHTD nhiều lần và 11% là số trẻ em bỏ học, sống lang thang sau khi bị XHTD.

Theo ông Sê, một trong những giải pháp hàng đầu góp phần giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị XHTD là trang bị kỹ năng về giới tính và khả năng tự bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, khi nói vấn đề này với con em, một số phụ huynh còn e ngại hoặc sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Trong khi đó, trẻ em trong độ tuổi mới lớn lại tò mò tìm hiểu dễ dẫn đến lệch lạc trong suy nghĩ và hành động nếu thiếu sự chỉ dẫn của người hiểu biết. Vì thế, các bậc phụ huynh nên chủ động giáo dục, trang bị những kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho con em. Ngoài ra, khi nghi vấn trẻ bị XHTD, phụ huynh nên bình tĩnh xử lý, không la mắng trẻ, giữ nguyên hiện trường vụ việc và lập tức báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý theo quy định.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên