Xây dựng thành phố thông minh (TPTM), Bình Dương phấn đấu trở thành địa phương có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn về thu hút, phát triển và giữ nhân tài khoa học - kỹ thuật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.
Giáo dục trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nêu lên những quan điểm chỉ đạo “Đổi mới ở các bậc học, ngành học”. Trong quá trình đổi mới cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, đi đôi với hành; lý luận với thực tiễn...
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam và trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Từ việc áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, có nhiều lĩnh vực công nghiệp được tự động hóa thay thế con người, tăng nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng cao. Điều này nhất thiết đòi hỏi các trường đại học phải quan tâm nhiều hơn nữa về giảng dạy liên ngành, nghiên cứu và đổi mới. Hiện nay, trọng tâm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, robot, công nghệ nano, công nghệ sinh học…
Theo thạc sĩ Đỗ Thị Ý Nhi, khoa Kinh tế trường Đại học Thủ Dầu Một, giáo dục trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là phương thức phức tạp, biện chứng, là nền giáo dục được hình thành để đáp ứng hiệu quả các nhu cầu về sự thay đổi của nền sản xuất tương ứng. Do đó, giáo dục đại học cần phải tập trung vào các nội dung: Giảng viên giảng dạy như thế nào (phương pháp giảng dạy); sinh viên học như thế nào; giảng viên giảng dạy cái gì; không gian học như thế nào; vai trò của giảng viên; vai trò của sinh viên; các thuộc tính của giảng viên/sinh viên là gì. Đây là những vấn đề tạo nên sự thay đổi của giáo dục qua từng cuộc cách mạng. Yếu tố đổi mới sáng tạo trong mô hình của trường đại học chính là việc các cơ sở giáo dục không chỉ dừng lại ở việc đào tạo truyền thống, mà phải theo định hướng khởi nghiệp. Một trường đại học đổi mới sáng tạo không chỉ giới hạn trong một quốc gia mà với xu hướng hội nhập hiện nay, các trường phải gia tăng mức độ quốc tế hóa.
Để tối đa hóa lợi ích đầu tư, những hoạt động nói trên cần tập trung vào lĩnh vực chuyên môn liên quan nhiều nhất đến ngành công nghiệp và dịch vụ với hàm lượng tri thức, công nghệ cao. Bước đầu tiên của hoạt động này, giữa thành phố Eindhoven (Hà Lan) và Bình Dương là trao đổi sinh viên và nghiên cứu sinh về các chủ đề liên quan đến TPTM...
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các bên liên quan cần nghiên cứu tính khả thi và xác định đối tác quốc tế để bắt đầu thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đại học. Để tạo ra môi trường cạnh tranh quốc tế trong tương lai, mà sáng tạo và nghiên cứu là chìa khóa, các trường đại học ở Bình Dương cần mở rộng hoạt động đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với ưu tiên dành cho những lĩnh vực chuyên môn phục vụ phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ hiện nay và những ngành sẽ phát triển trong tương lai. Cùng với đó, việc huy động nguồn lực bằng hợp tác quốc tế là một điều kiện quan trọng, giúp các trường đại học tìm nguồn tài trợ và chuẩn bị xây dựng các chương trình này; khuyến khích chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, trong đó việc phối hợp và tìm giải pháp hỗ trợ về mặt chính sách và ngân sách giúp các trường đại học trên địa bàn xây dựng chương trình được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế như ABET (cho khối ngành kỹ thuật), AACSB (cho khối ngành kinh doanh), EQUIS…
Có thể nói, việc đạt được các tiêu chuẩn kiểm định giáo dục của ABET hay AACSB không những tạo ra nền tảng cải thiện chất lượng giáo dục liên tục mà còn giúp các trường đại học ở Bình Dương được xếp vào hàng ngũ những trường đại học chất lượng trên thế giới. Một vấn đề cần quan tâm nữa, cần lồng ghép những kỹ năng làm việc thực tế vào trong nội dung giảng dạy của các cấp giáo dục; kết nối các trường dạy nghề và trường đại học với các công ty khu vực; mở các FabLab, Techlab và không gian sáng tạo (MakerSpaces)… Các FabLab, TechLab, không gian sáng tạo này có thể được sử dụng để phục vụ mục đích giảng dạy, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trong quá trình phát triển, đồng thời cũng là điểm gặp gỡ giữa tài năng các trường và doanh nghiệp.
Hiện nay, nền giáo dục tỉnh Bình Dương có thể kết nối với chương trình quốc gia gồm 45 trường dạy nghề đang hợp tác với các công ty trong nước. Trong giai đoạn khởi đầu, các trường đại học, cao đẳng có mô hình nước ngoài, có cơ sở vật chất và hạ tầng tốt, có tiềm năng thu hút doanh nghiệp được ưu tiên tham gia chương trình này.
Chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao
Triển khai đề án “TPTM Bình Dương” theo mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp), vừa qua Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT) và trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Nội dung hợp tác chủ yếu là trên lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, trao đổi giảng viên - sinh viên thực tập kiến tập, hướng tới thực hiện Đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực công nghệ thông tin giai đoạn 2017-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo thỏa thuận, EIU sẽ thực hiện nghiên cứu, phát triển, cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của VNTT. Trong quá trình hợp tác, VNTT sẽ tiếp nhận các sinh viên, giảng viên có nhu cầu tham gia thực hành, thực tập, nghiên cứu thực tế tại các cơ sở của VNTT.
Ông Giang Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc VNTT, cho biết việc hợp tác giữa EIU và VNTT giúp nâng cao vai trò của EIU và VNTT trong việc triển khai đề án “TPTM Bình Dương”. Việc hợp tác này sẽ mang lại những chuyển biến tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, Đây còn là sự kết hợp để giải quyết các vấn đề về công nghệ, quản lý, tạo ra những sản phẩm mới góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Trước đó, VNTT và NTT Việt Nam đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh xây dựng mạng FTTH và các giải pháp ICT. Lễ ký kết là hoạt động cụ thể hóa các nội dung của biên bản ghi nhớ đã được hai đơn vị là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) và Tập đoàn NTT (Nhật Bản) ký Biên bản ghi nhớ MOU, với mục đích cùng nhau nghiên cứu tính khả thi cho việc xây dựng phát triển TPTM tại Việt Nam, đặc biệt là tại Thành phố mới Bình Dương.
Ông Ii Motoyuki. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn NTT EAST (Nhật bản), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc NTT Việt Nam, cho biết thêm ngay sau khi triển khai dự án hợp tác này, hai bên sẽ tiếp tục thực hiện dự án tiếp theo là thí điểm mô hình Smart Education vào ứng dụng tại tỉnh Bình Dương nhằm mang lại nhiều tiện ích, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn phát triển mới của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Xây dựng TPTM, Bình Dương đã đề ra Chương trình chiến lược đột phá Bình Dương 2021, tầm nhìn đến 2030 (Bình Dương Navigator 2021). Theo đó, tỉnh đã xây dựng chương trình hành động về hỗ trợ hệ thống giáo dục của các trường trong tỉnh phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, để phát triển hơn nữa hệ thống giáo dục của tỉnh, các sinh viên, giáo viên và nghiên cứu sinh cần được hỗ trợ để tiếp cận, làm việc thêm ở nước ngoài trong các môi trường trình độ thế giới. Kinh nghiệm và kiến thức mà họ thu được từ các khóa trao đổi này sau đó có thể được áp dụng vào tỉnh. Điều quan trọng nữa, hoạt động này cần được triển khai ở các cấp giáo dục.
PHƯƠNG LÊ