Chuyện học của dân trong Di chúc của Bác

Cập nhật: 04-09-2019 | 08:26:49

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho đời sau, chuyện học của dân được Người đúc kết ngắn gọn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Muốn bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau tất nhiên phải chăm lo chuyện dạy và học. Nhân dịp khai giảng năm học mới và Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường năm nay, cũng là dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhắc lại chuyện chống giặc dốt để thấy ngay từ những ngày đầu nước ta mới độc lập, Bác Hồ đã đau đáu chuyện học của nhân dân.

 Ngay sau khi trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời các câu hỏi của báo chí nước ngoài. Các nhà báo nước ngoài lúc ấy đặc biệt quan tâm đến tiểu sử của Người, nhất là khi đoán biết Người chính là Nguyễn Ái Quốc, một nhà cách mạng nổi tiếng, kiên cường đấu tranh cho độc lập dân tộc và cho phong trào cộng sản quốc tế. Họ hỏi Bác về rất nhiều điều, cả lý do và ý định của Bác khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước. Bác đã trả lời ngắn gọn những câu hỏi ấy, trong đó có câu: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Theo Bác, đói nghèo, mù chữ là những thứ giặc không thua kém giặc ngoại xâm. Cùng với việc chống giặc đói, Bác đặc biệt quan tâm đến việc chống giặc dốt. Để đồng bào ai cũng được học hành, ai cũng biết đọc biết viết, ngày 8-9- 1945, tức chưa đầy một tuần lễ sau khi tuyên bố độc lập, Bác đã chỉ đạo Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ và quyết định thành lập các lớp học bình dân buổi tối cho nông dân, thợ thuyền. Việc học chữ quốc ngữ là bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi đều phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.

Lời kêu gọi của Bác về nhiệm vụ chống giặc dốt đã nhanh chóng lan tỏa và thấm sâu vào tâm trí của mọi người, làm thức dậy lòng tự tôn dân tộc và trách nhiệm của mình là chỉ trong vòng một năm phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Lớp học bình dân được mở ra khắp nơi, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ cả sáng, trưa, chiều, tối và những lúc rảnh việc. Để tăng cường việc học, chính quyền thiết lập cả những trạm hỏi chữ ở các bến đò ngang, cổng làng, cổng chợ. Tại những trạm này, người nào đọc được chữ viết trên bảng đen thì được đi qua cổng trang trí đẹp gọi là “Cổng vinh quang”. Nhờ vậy, chỉ sau một năm hoạt động, các lớp bình dân học vụ đã xóa mù chữ cho trên 2,5 triệu người trong tổng số dân vào khoảng 22 triệu người lúc bấy giờ.

Tiếp tục thực hiện “ham muốn tột bậc” của Người, những năm sau này, chuyện học của nhân dân cũng đã được đưa vào nghị quyết tại nhiều kỳ Đại hội Đảng. Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường hàng năm cũng không ngoài mục đích cụ thể hóa “ham muốn tột bậc” của Người là để ai cũng được học hành..

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3145
Quay lên trên