Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Cùng với sự phát triển, các bệnh lý liên quan đến tim mạch cũng phát triển. Theo các bác sĩ (BS), mỗi người nên thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý để làm giảm các nguy cơ dẫn đến các bệnh lý về tim mạch…
Không chỉ người lớn tuổi mà người trẻ tuổi cũng có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn. Ảnh: H.THUẬN
Nhiều yếu tố nguy cơ
Mỗi năm, các bệnh lý tim mạch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 17,5 triệu người trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mô hình bệnh tật trong những năm gần đây cũng có những thay đổi đáng kể. Các bệnh không lây nhiễm (bệnh do chuyển hóa), trong đó có các bệnh lý về tim mạch đang có xu hướng gia tăng.
BS Nguyễn Văn Tính, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, gồm: Tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu (rối loạn mỡ máu), hút thuốc lá, ít vận động… Tăng huyết áp được xem là “kẻ giết người thầm lặng”, là yếu tố nguy cơ làm xuất hiện và tiến triển bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên… Với bệnh đái tháo đường, nếu người bệnh không điều trị theo chỉ định của BS, theo thời gian sẽ dẫn đến bệnh tim mạch. Đái tháo đường thường liên quan đến bệnh cơ tim, có thể gây lớn tim, phì đại cơ tim. Thừa cân, béo phì là một trong những nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp, đái tháo đường và xơ vữa động mạch là rất cao. Một trong những nguy cơ dẫn đến các bệnh lý tim mạch là do rối loạn chuyển hóa lipid máu (rối loạn mỡ máu). Rối loạn mỡ máu có thể xảy ra ở những người thừa cân, béo phì, nhưng cũng có thể xảy ra ở những người ốm. Bệnh thường diễn biến âm thầm, nên người ta ít quan tâm. Tuy nhiên, rối loạn mỡ máu lại rất nguy hiểm, có thể dẫn đến những bệnh lý về tim mạch nguy hiểm như bệnh tăng huyết áp, bệnh lý động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch vành, động mạch chi dưới. Nhiều người nghĩ rằng, hút thuốc lá thường liên quan đến bệnh phổi. Tuy nhiên, theo BS Tính, thuốc lá cũng có ảnh hưởng rất lớn và là nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch rất cao. Ngoài 4 yếu tố nguy cơ trên, những người hay uống bia rượu, ít vận động, thụ động trong công việc, chế độ ăn nhiều chất đạm, chất mỡ… cũng có nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý để phòng bệnh
Có nhiều yếu tố trong cuộc sống đã được chứng minh làm tăng khả năng xuất hiện và tiến triển các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh rằng, với chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.
BS Nguyễn Văn Tính cho rằng, từ người đang khỏe đến những người đang mắc bệnh tim mạch đều cần thực hành lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống phù hợp. Về chế độ vận động, cần tăng cường tập thể dục, vận động tùy theo sức khỏe mỗi người. Về chế độ ăn uống phải điều chỉnh, cân đối khẩu phần hợp lý: ăn đủ chất bột, hạn chế chất đạm, chất mỡ (động vật), giảm muối, tăng cường các loại rau xanh, trái cây, hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các thức ăn sẵn...
Từ năm 2000, Liên đoàn Tim mạch thế giới đã quyết định chọn ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 9 là “Ngày Tim mạch thế giới”. Từ đó hàng năm, Liên đoàn Tim mạch thế giới đều phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức “Ngày Tim mạch thế giới” thông qua các sự kiện nâng cao nhận thức tại hơn 100 nước thành viên của Liên đoàn Tim mạch thế giới, trong đó có Việt Nam.
HỒNG THUẬN