(BDO) Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để cải thiện chỗ ở cho người lao động, đồng thời góp phần ổn định thị trường bất động sản là một trong những chương trình trọng tâm của tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung trong nhiều năm qua. Theo dự thảo Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bình Dương dự kiến hoàn thành 42.256 căn nhà ở xã hội, với diện tích sàn 2.702.572m2, đáp ứng cho 163.476 người, tổng mức đầu tư khoảng 24.668 tỷ đồng.
Toàn cảnh khu nhà ở xã hội Định Hòa, phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một, do Tổng Công ty Becamex IDC thực hiện
Giai đoạn 2021-2025 dự kiến hoàn thành 42.256 căn
Bình Dương là tỉnh phát triển nhiều khu công nghiệp, thu hút lượng lớn lao động ngoài tỉnh đến làm việc và sinh sống. Trong thời gian qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân. Tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội cải thiện nhà ở.
Căn hộ tại đây có diện tích 30m2 (trong đó diện tích sàn 20m2, gác lửng 10m2). Giá bán cho mỗi căn hộ từ 100 - 300 triệu đồng
Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bình Dương đã thu hút 82 dự án phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn nhà ở là 3,8 triệu m², đáp ứng cho 238.325 người, tổng mức đầu tư 19.034 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương đã đầu tư 1,33 triệu m2 sàn, đạt 65% kế hoạch. Đồng thời, trong giai đoạn này, Đề án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (do Tổng Công ty Becamex IDC đề xuất đầu tư) cũng được phê duyệt. Mô hình chung cư nhà ở an sinh xã hội Becamex trên cơ sở quỹ đất sạch đã được đầu tư và đưa vào sử dụng với giá bán ưu đãi phù hợp với thu nhập của người lao động, kết hợp với các hình thức cho vay mua nhà đã thu hút được hàng ngàn công nhân lao động, người thu nhập thấp… Nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp xây dựng đến đâu có người thuê đến đó.
Theo dự thảo Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bình Dương dự kiến đầu tư 172.879 căn nhà ở xã hội (gồm 167.706 căn chung cư và 5.173 nhà liên kế). Tổng diện tích đất khoảng 612,1 ha, diện tích sàn xây dựng khoảng 10.110.867m2, đáp ứng cho 678.307 dân số, tổng mức đầu tư khoảng 92.661 tỷ đồng, cao hơn gấp 2 lần chỉ tiêu Chính phủ giao tại Quyết định số 338/QĐ-CP ngày 3-4-2023.
Những căn hộ dưới tầng trệt với diện tích lớn hơn, 50 - 70m2/căn thuận lợi cho người dân mua để ở và kinh doanh buôn bán
Theo đó, giai đoạn 2021-2025 dự kiến tỉnh sẽ bố trí khoảng 158 ha đất đầu tư, hoàn thành khoảng 42.256 căn nhà ở xã hội, với diện tích sàn 2.702.572m2, đáp ứng cho 163.476 dân số, tổng mức đầu tư khoảng 24.668 tỷ đồng.
Dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội
Theo quy định của Luật Nhà ở, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị loại III trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (tỷ lệ 20%).
Qua thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh, có 32 dự án nhà ở thương mại có bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, với diện tích đất khoảng 85 ha. Tuy nhiên, thực tế quỹ đất này chưa triển khai đầu tư xây dựng công trình.
Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo thuận lợi cho người thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội, góp phần ổn định đời sống người lao động
Nhằm tận dụng từ quỹ đất này, theo dự thảo Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bình Dương dự kiến đầu tư 24.164 căn, tương đương 1,92 triệu m2 sàn xây dựng, phục vụ cho 102.147 người, tổng mức đầu tư khoảng 16.778 tỷ đồng. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh triển khai 21 dự án, diện tích đất khoảng 34,8 ha, đầu tư khoảng 8.000 căn, tương đương 696.266 m2 sàn xây dựng, giải quyết nhu cầu nhà ở cho 35.745 người, tổng mức đầu tư khoảng 6.073 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh thực hiện 17 dự án. Diện tích đất khoảng 51 ha, đầu tư 15.204 căn, tương đương 1.227.424 m2 sàn xây dựng, giải quyết nhu cầu nhà ở cho 66.403 người, với tổng mức đầu tư khoảng 10.705 tỷ đồng (trong đó dự kiến có 6 dự án giai đoạn 2021-2025, do quy mô lớn chuyển tiếp sang giai đoạn này).
Thông tin về giải pháp triển khai thực hiện, ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết sở sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc chủ đầu tư các dự án triển khai thực hiện nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo giai đoạn bảo đảm tiến độ đã được phê duyệt. Trong trường hợp các chủ đầu tư không triển khai hoặc triển khai chậm so với tiến độ đã được phê duyệt, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi quỹ đất lập thủ tục kêu gọi cho các chủ đầu tư có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Đối với các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, Sở Xây dựng đề nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư sau năm 2022, phải dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch.
Bên cạnh đó, theo dự thảo Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bình Dương sẽ chuyển đổi công năng một số quỹ đất trên tại TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Tân Uyên và TX.Bến Cát để phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể, sử dụng một phần quỹ đất sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp phải chuyển đổi công năng theo lộ trình để đầu tư phát triển nhà ở xã hội 48 khu, rộng khoảng 267 ha (khoảng 67.500 căn, tương đương 3.374.990m2 sàn xây dựng, đáp ứng cho 266.951 người) với tổng mức đầu tư khoảng 31.281 tỷ đồng.
Bên cạnh khu nhà ở xã hội có nhiều tiện ích như trường học, khu công viên, sân bóng...
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh triển khai thực hiện 24 khu với diện tích đất khoảng 29,4 ha, xây 7.430 căn, tương đương 371.505m2 sàn xây dựng, đáp ứng cho 29.385 người, tổng mức đầu tư khoảng 3.443 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030, tỉnh triển khai thực hiện 24 khu rộng khoảng 237,57 ha để phát triển nhà ở xã hội, với khoảng 60.070 căn, tương đương 3.003.485m2 sàn xây dựng, đáp ứng cho 237.566 người, với tổng mức đầu tư khoảng 27.838 tỷ đồng.
Đề án cũng đề ra các giải pháp, như: Dự kiến bố trí khoảng 10% đất trong quỹ đất di dời các khu, cụm công nghiệp để xây dựng nhà ở xã hội; quy hoạch các quỹ đất gần các khu, cụm công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Để thực hiện hoàn thành đề án, dự thảo đã đưa ra giải pháp về quỹ đất có sẵn của các nhà đầu tư đề xuất phát triển nhà ở xã hội; quỹ đất do các doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý hoặc quỹ đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đang quản lý (đất Nhà nước thu hồi do vi phạm).
Bình Dương là một điểm sáng về giải quyết các chính sách về đầu tư trên đất, không chỉ nhà ở xã hội mà môi trường đầu tư ở Bình Dương tốt, tạo sức hút đối với các doanh nghiệp về đây (Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) Bình Dương nói chung và Becamex nói riêng đã và đang làm rất tốt công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Vì từ lâu Bình Dương đã có quy hoạch tổng thể, có sự chuẩn bị về quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; hạ tầng đầy đủ. Qua đó có sự phát triển về hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ, có sự chuẩn bị rõ ràng về đất đai. Khi nhu cầu đầu tư tăng lên, nhu cầu về sản xuất, phát triển kinh tế tăng dẫn đến khu dân cư tăng nhưng Bình Dương lập tức có quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu về nhà ở. Có thể khẳng định, mô hình nhà ở xã hội của tỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương, phù hợp với người lao động. Điều đáng phấn khởi là người lao động chấp nhận mô hình này (Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hải, Ban Tư vấn quy hoạch Tổng Công ty Becamex IDC) |
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG