(BDO) Xác định vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành chức năng đã ưu tiên nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch CĐS. Tuy nhiên, so với yêu cầu cũng như tính cấp bách của nhiệm vụ CĐS, thời gian tới cần có sự quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện các giải pháp CĐS đã được nêu cụ thể trong các nghị quyết, quyết định, kế hoạch của tỉnh.
Vẫn còn “nút thắt” cần tháo gỡ
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến thực hiện công tác xây dựng chính quyền điện tử, CĐS như kế hoạch CĐS trên địa bàn tỉnh năm 2022; kế hoạch triển khai thí điểm Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC); kế hoạch triển khai hệ thống camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh... Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đang tăng tốc đẩy mạnh CĐS sâu rộng trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhằm góp phần triển khai có hiệu quả, đồng bộ nghị quyết, kế hoạch CĐS của tỉnh. Bên cạnh đó, việc chính thức triển khai thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN) và người dân. Đặc biệt, việc chính thức vận hành IOC của tỉnh không những giúp giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy, quản lý chất lượng dịch vụ... mà còn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, toàn diện.
Trung tâm IOC của tỉnh không ngừng hoàn thiện để phục vụ công tác giám sát, điều hành, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay công tác CĐS vẫn còn gặp nhiều khó khăn chủ quan lẫn khách quan. Trong đó, nguồn nhân lực chuyên trách, bán chuyên trách về CNTT tại các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ yếu kiêm nhiệm nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai các ứng dụng dùng chung, ứng dụng chuyên ngành và thực hiện quản lý nhà nước tại địa phương. Mặt khác, hiện vẫn chưa có nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực phục trách lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh. Lĩnh vực CĐS còn tương đối mới, trong khi địa phương chưa có nhiều dữ liệu, kinh nghiệm trong quản lý, tham mưu, giám sát... nên bước đầu còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dịch vụ công, nhiều người dân lớn tuổi hoặc chưa thành thạo sử dụng các thiết bị vi tính, điện thoại thông minh vẫn cần sự giúp đỡ của các tình nguyện viên tại bộ phận “một cửa” để hoàn thành các hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, việc đăng ký hồ sơ TTHC trực tuyến qua cổng dịch vụ công là hình thức khá mới nên nhiều trường hợp công dân không nắm rõ thao tác, do vậy khi nộp hồ sơ vẫn còn thiếu file dẫn đến hồ sơ không hoàn chỉnh, thiếu chính xác.
Tăng tốc hơn nữa trong CĐS
Để thực hiện tốt các giải pháp CĐS trong kế hoạch năm 2022 và những năm tới theo nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, bên cạnh ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành thông tin và truyền thông, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu cho IOC của tỉnh, cũng như triển khai App phục vụ người dân và DN tương tác với chính quyền; trong đó chia sẻ các thông tin người dân quan tâm như môi trường, quy hoạch, camera. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp tham mưu triển khai mô hình tham chiếu IOC các cấp và chuyên ngành bảo đảm hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thực hiện kế hoạch hợp nhất cổng dịch vụ công tỉnh với hệ thống thông tin “một cửa” điện tử tỉnh để tạo lập hệ thống thông tin giải quyết TTHC thống nhất, liên thông giữa các cấp, từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã nhằm phục vụ kết nối báo cáo số liệu về Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông để có số liệu đánh giá chính xác 5 chỉ tiêu: Công khai, minh bạch; tiến độ, kết quả giải quyết; số hóa hồ sơ; cung cấp dịch vụ trực tuyến; mức độ hài lòng.
Tại buổi làm việc mới đây với các ngành liên quan trong thực hiện CĐS, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho rằng công tác CĐS là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và DN. Do vậy, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa thực tiễn của CĐS trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cần tăng cường tương tác với người dân, DN; phổ cập kỹ năng số cho người dân, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số của cơ quan Nhà nước...
Về một số nhiệm vụ trước mắt, ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các đơn vị liên quan cần tăng tốc thực hiện CĐS; trong đó tập trung tiếp tục số hóa hồ sơ, thủ tục, làm việc trên môi trường mạng; chú trọng cập nhật thông tin, dữ liệu mới, hoàn chỉnh hệ thống IOC của tỉnh, nhất là việc xử lý hiện trường những phản ánh của người dân, của dư luận xã hội. Ông cũng lưu ý các cấp, các ngành, người đứng đầu “phải nghĩ thật, chỉ đạo thật, làm thật để có kết quả thật” trong thực hiện nhiệm vụ CĐS.
TRÍ DŨNG