Theo các chuyên gia của Bộ Y tế đang hỗ trợ Bình Dương phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hơn 80% ca nhiễm trong đợt dịch này tại tỉnh không xuất hiện triệu chứng, nhiều F0 lẫn trong cộng đồng chưa được phát hiện. Việc tăng cường xét nghiệm sàng lọc diện rộng là chiến thuật quan trọng, nhất là xét nghiệm nhanh để khoanh vùng dập dịch hiệu quả.
Ứng phó trong tư thế chủ động
Trong các cuộc làm việc với các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế vừa qua, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định Bình Dương luôn trong tư thế chủ động chống dịch, có đủ năng lực, điều kiện để kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, nỗ lực thực hiện truy vết, cách ly, xét nghiệm và ngày càng củng cố, hoàn thiện hơn. Ban đầu tỉnh có 6 máy xét nghiệm RT-PCR nhưng đến nay đã có 12 máy, năng lực xét nghiệm 8.000 mẫu đơn/ngày (tương đương 80.000 mẫu gộp 10/ngày) và đang thực hiện xã hội hóa xét nghiệm với Công ty Việt Á để nâng cao năng lực lên từ 100.000 - 300.000 mẫu gộp/ngày.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cộng đồng cho người dân TP.Dĩ An
Hiện tỉnh đang tiếp nhận thêm Trung tâm xét nghiệm của Tổng hội Y học Việt Nam với năng lực xét nghiệm 10.000 mẫu đơn/ngày. Do đó, toàn tỉnh đã thành lập 600 đội lấy mẫu cơ động (tương đương 600 bàn lấy mẫu, mỗi bàn lấy được 300 mẫu/ngày, tối đa 176.000 mẫu/ngày/600 bàn). Tỉnh cũng thành lập Tổ điều phối điều tra truy vết, khoanh vùng giúp quy trình lấy mẫu xét nghiệm nhanh hơn, bảo đảm thực hiện xét nghiệm hết số mẫu và trả kết quả trong 24 giờ. Những ngày qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đánh giá cao về số lượng mẫu xét nghiệm đã được lấy tại các địa phương. Đặc biệt, những khu vực có nguy cơ rất cao như: TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TX.Tân Uyên và mới đây nhất là các địa phương có nguy cơ cao, các địa phương có mức trung bình, tốc độ lấy mẫu đã được đẩy nhanh hơn, giúp Bình Dương sớm nhận định được mức độ, nguy cơ của dịch bệnh, để từ đó có những biện pháp kịp thời.
Về chiến thuật xét nghiệm “nhặt” F0, cắt nguồn lây bệnh trong cộng đồng, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh, đối với các địa phương đã triển khai chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, các lực lượng tiếp tục rà soát lấy mẫu các khu vực có khả năng bỏ sót (nhà trọ, công ty...), đồng thời đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm hoàn thành trong thời gian sớm nhất, bảo đảm đạt trên 95% dân số được lấy mẫu so với kế hoạch. Các địa phương còn lại chưa triển khai lấy mẫu xét nghiệm cần phải chuẩn bị nhân lực, vật tư để kịp thời triển khai trong vòng 1 - 2 ngày. Đối với các khu vực đang phong tỏa kiểm tra việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải lấy mẫu xét nghiệm đúng quy định, cách 3 ngày lấy mẫu 1 lần bằng mẫu gộp PCR.
Các trường hợp test nhanh dương tính, khẩn trương lấy mẫu khẳng định PCR để sớm đưa vào cách ly điều trị. Các địa phương có cách ly F1 tại nhà hoặc các khu vực cách ly tập trung F1 cần lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Các địa phương khi phát hiện các trường hợp có sốt, ho, khó thở, cảm cúm, viêm đường hô hấp... thông qua người dân hoặc Tổ Covid cộng đồng, phải tiến hành xác minh và lấy mẫu xét nghiệm để sớm đưa vào cách ly, tách nguồn lây ra khỏi cộng đồng.
Người dân không chủ quan sau xét nghiệm
Thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng để “nhặt” F0 trong cộng đồng, những ngày qua, số ca nhiễm mới của Bình Dương liên tục tăng ở mức cao. Cụ thể sau 15 ngày thực hiện xét nghiệm sàng lọc diện rộng, toàn tỉnh đã phát hiện hơn 12.500 người nghi nghờ mắc Covid-19 trong tổng số 1.286.000 người được lấy mẫu, chiếm tỷ lệ 0,98%. Hiện các mẫu đang đưa đi xét nghiệm khẳng định RT-PCR.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, những ngày qua, ngành y tế cùng với các địa phương thực hiện chiến thuật xét nghiệm diện rộng để “nhặt” F0, giảm mức độ lây lan của SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện nhiều lần, cách 3 ngày lấy mẫu/lần ở những “vùng đỏ” có nguy cơ rất cao như TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên. Những địa phương có nguy cơ thì thực hiện 5 ngày lấy mẫu/lần, còn những địa phương ít có nguy cơ thì 7 ngày lấy mẫu/lần.
Thời gian qua, nhiều người dân ở các địa phương có tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch khi có kết quả sàng lọc cộng đồng. Kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính chỉ có tác dụng chứng nhận tại thời điểm đó, người dân chủ quan, lơ là, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo thông điệp “5K” của Bộ Y tế thì sẽ có nguy cơ trở thành F0 lây nhiễm cho cộng đồng. Do đó, mỗi người dân dù có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, tạo thành thói quen trong việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay... để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.
Khi có các triệu chứng về bệnh đường hô hấp như: Sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở… hoặc nghi ngờ có tiếp xúc với người nghi mắc Covid-19, người dân phải liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
KIM HÀ