Để đào tạo theo đúng nhu cầu

Cập nhật: 27-09-2014 | 09:28:33

Câu chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” vốn là một yếu điểm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được đề cập từ lâu.

 Để giải quyết vấn đề này, các bộ, ngành liên quan, cụ thể là ngành giáo dục - đào tạo, lao động - thương binh & xã hội… đã có những giải pháp khắc phục. Các doanh nghiệp (DN) trước thực tế “khan hiếm” lao động phù hợp, xuất phát từ lợi ích và nhu cầu thiết thực của mình cũng đã chung tay vào cuộc. Mô hình liên kết giữa nhà trường và DN trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội đang được xem là một giải pháp khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay.

Tại Bình Dương, do nhu cầu về lao động lớn trong quá trình công nghiệp hóa, trước thực trạng khá bức bách về chất lượng nguồn nhân lực, nhiều DN và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề… đã chủ động quan hệ liên kết để đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu. Có thể nói, đây là mối quan hệ hết sức quan trọng, tạo tiền đề để cung cấp cho thị trường nguồn lao động có chất lượng, vừa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người sử dụng lao động. Thông qua mô hình liên kết này, nhà trường sẽ biết được thực chất nhu cầu của DN về nguồn lao động như thế nào, qua đó đặt ra các chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp, tránh được tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm. Các DN cũng có thể “đặt hàng” với các nhà trường về nguồn lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, gỡ bỏ được mối quan ngại về nguồn nhân lực cốt cán cũng như tiết kiệm được các chi phí đào tạo lại tại DN…

Tuy nhiên, để mô hình liên kết này thật sự giải quyết được bài toán “thừa thầy, thiếu thợ”, cần phải có những giải pháp hữu hiệu và cơ chế đi kèm, đặc biệt là sự chủ động hơn nữa từ phía các nhà trường cũng như các DN. Các nhà trường và DN phải xác định được đây là mối quan hệ 2 bên đều có lợi, tương sinh với nhau để từ đó có sự phối hợp chặt chẽ từ khâu tuyển sinh đến nội dung đào tạo. Bản thân các nhà trường cũng phải chủ động tìm đến các DN để đẩy mạnh liên kết, qua đó có kế hoạch, nâng cao chất lượng, nội dung chương trình đào tạo, xây dựng được thương hiệu riêng cho mình. Về phía Nhà nước cũng cần phải có một cơ chế khuyến khích cụ thể để mô hình liên kết giữa nhà trường và DN đi vào cuộc sống, lan tỏa rộng khắp, đáp ứng nhu cầu về chất lượng nguồn lao động trong bối cảnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra nhanh chóng và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1035
Quay lên trên