Để hàng Việt “bám rễ”…

Cập nhật: 17-11-2022 | 09:19:13

Dày công với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cho đến thời điểm hiện tại đã cho thấy hiệu quả thực sự. Tâm lý “sính hàng ngoại” của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt chưa đến mức triệt tiêu nhưng đã “mai một” nhiều trong suy nghĩ của họ. Hàng Việt thực sự được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, sử dụng đã trở thành “chất xúc tác” để doanh nghiệp Việt tự tin, vươn rộng ra thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Thành quả đó có được không đơn thuần chỉ là sự vận động, khơi dậy tinh thần, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người tiêu dùng Việt. Ở đó là cả một quá trình dài tuyên truyền vận động, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Việt “đến được” với người tiêu dùng Việt, đặc biệt là các địa bàn vùng xa trung tâm thành thị. Các phiên chợ hàng Việt liên tục phối hợp tổ chức tại vùng nông thôn, địa bàn đông công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chính là minh chứng về sự nỗ lực cho hàng Việt mà các đơn vị chức năng, doanh nghiệp thể hiện trong nhiều năm qua.

Cùng với việc vận động, tuyên truyền và nhận được sự hưởng ứng, yêu thương của người tiêu dùng, vấn đề chính yếu vẫn là sự nỗ lực, vươn lên, khẳng định thương hiệu sản phẩm của chính doanh nghiệp, sơ sở sản xuất hàng Việt. Mẫu mã, bao bì đẹp, bắt mắt, chất lượng ngày một nâng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả phù hợp, có nhiều chương trình quảng bá, khuyến mại hấp dẫn… cùng thái độ phục vụ tốt, vì người tiêu dùng của chính doanh nghiệp Việt đã dần chiếm được niềm tin của người Việt, chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Hàng Việt “bao phủ” khắp các kệ hàng của nhiều hệ thống phân phối hiện đại, hàng Việt về với chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa vùng xa là thực tế diễn ra nhiều năm qua. Rất nhiều nhà quản lý các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cho biết, hàng Việt đã thực sự khẳng định được tên tuổi, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, sản phẩm Việt chiếm tới 85 - 90% số lượng bán ra. Thông điệp thực tế đó quả là đáng ghi nhận và cần phát huy. Tìm được thị phần, “nắm được” trái tim người tiêu dùng đã khó, củng cố, giữ được niềm tin đó lâu dài đòi hỏi các nhà sản xuất Việt cần phải tiếp tục với nỗ lực cao nhất.

Thị trường mở, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, sức cạnh tranh hàng nội - hàng ngoại vẫn chưa bao giờ dừng lại, nếu thỏa mãn với thành công bước đầu như đã đề cập, hàng Việt sẽ mất thị phần. Sản phẩm Việt muốn “bám sâu gốc rễ” trong lòng người tiêu dùng đòi hỏi nhà sản xuất cần tiếp tục con đường chinh phục bằng tất cả sự nhạy bén của chính mình trên tất cả các phương diện liên quan.

TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết
Tags
Việt Nam

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=315
Quay lên trên