Đề phòng dịch tả heo châu Phi tái xuất

Cập nhật: 09-05-2019 | 08:55:17

Bẵng đi một thời gian sau khi có những tỉnh, thành công bố hết dịch tả heo châu Phi thì mới đây, UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã công bố dịch đối với bệnh dịch tả này ở ấp Tân Đạt trong phạm vi 3km đã làm dấy lên lo ngại cho nhiều địa phương trong khu vực, đặc biệt là Bình Dương - một địa bàn giáp ranh.

Trong 4 tháng đầu năm, hơn 20 tỉnh thành trên cả nước đã xuất hiện dịch tả heo châu Phi và hàng chục ngàn con heo bị tiêu hủy. Việc dịch diễn biến phức tạp đã khiến giá heo biến động liên tục thời gian qua, ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi.

 Tuy nhiên, hiện một số tỉnh phía Bắc đã công bố hết dịch nhưng mới đây thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở Đồng Nai - địa phương có đàn heo lớn nhất nước với hơn 2,5 triệu con thì càng không thể lơ là, chủ quan. Dù rằng, thông tin trên vẫn còn nhiều tranh cãi bởi một lãnh đạo tỉnh này cho rằng ổ dịch đó là dịch heo tai xanh chứ không phải dịch tả heo châu Phi nhưng dù sao, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Vì vậy, cơ quan chức năng không nên lơ là phòng chống dịch, người chăn nuôi cũng không được chủ quan, vẫn phải thực hiện đầy đủ các giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Theo thống kê, hàng ngày có hàng trăm, hàng ngàn con heo được vận chuyển từ tỉnh Đồng Nai vào địa bàn tỉnh Bình Dương để giết mổ. Đó là chưa tính một số lượng lớn thịt heo đã giết mổ được người dân vận chuyển bằng xe máy, ô tô từ Đồng Nai về Bình Dương tiêu thụ tại các chợ, nhà hàng, xí nghiệp... đây là một nguy cơ làm lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Với tinh thần quyết tâm không để dịch bệnh lây lan vào địa phương, ngành chức năng của tỉnh đã và đang tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tăng cường giám sát, không để dịch lây lan; lập các trạm kiểm soát dịch bệnh tạm thời; triển khai khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi và môi trường xung quanh để ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập vào chuồng trại... Điều đó là cần thiết, bởi cơ quan chức năng lẫn các hộ chăn nuôi, trang trại chủ quan, lơ là thì có thể phải trả giá đắt từ những thiệt hại do dịch bệnh gây nên.

Thông thường, tâm lý con người hay chủ quan khi có thông tin dịch bệnh đã được khống chế hoặc công bố hết dịch bệnh. Tuy nhiên, sự chủ quan, mất cảnh giác của người chăn nuôi, cùng với việc vì lợi nhuận của thương lái sẽ tạo môi trường thuận lợi cho dịch bệnh có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào. Dù dịch tả heo châu Phi không lây nhiễm trực tiếp sang người nhưng nó ẩn chứa nhiều hệ lụy đến sinh hoạt cũng như kinh tế của nhiều gia đình, địa phương. Vì vậy, nâng cao ý thức cảnh giác, lấy phòng bệnh hơn chữa bệnh, cùng chung tay góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan chính là góp phần vào xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước.

T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=399
Quay lên trên