Di sản Văn hóa - Nguồn vốn quý của dân tộc

Cập nhật: 24-11-2011 | 00:00:00

66 năm về trước (ngày 23-11-1945), trong điều kiện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang phải đối phó với muôn vàn khó khăn thử thách, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách là Chủ tịch lâm thời của nước Việt Nam vừa giành được độc lập đã ký ban hành sắc lệnh đầu tiên về công tác bảo tồn bảo tàng (BTBT). Sắc lệnh lịch sử này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta mà hiện thân là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) dân tộc.

Việc ký ban hành sắc lệnh ở thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới thành lập, đã cho thấy trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Sắc lệnh 65 đã khẳng định vai trò to lớn của công tác bảo tồn DSVH trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế sắc lệnh đã có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho việc hình thành và phát triển của ngành BTBT Việt Nam. Ngày nay, công tác BTBT và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa đã trở thành vấn đề cấp bách của toàn nhân loại. Di tích lịch sử - văn hóa là bộ phận quan trọng cấu thành môi trường sống của con người và là yếu tố có tác dụng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

* Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh LÊ PHAN THUẦN: Cần tuyên truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc ngày càng tốt hơn

... Mỗi người chúng ta cần nhận thức rằng, những DSVH tồn tại đến hôm nay đã chứa đựng những giá trị mà cha ông ta đã sáng tạo, trải qua một quá trình kết tinh, chọn lọc và trao, truyền lại cho chúng ta. Những phong tục, tập quán, từ những nghi lễ sinh hoạt, lời ăn tiếng nói, đến trang phục, kiến trúc... truyền thống đều chuyển tải giá trị, bản sắc riêng, nét đẹp riêng, là niềm tự hào của dân tộc. Để có được các DSVH, ông cha ta đã dày công gìn giữ, vun bồi, cùng với thời gian, các giá trị ấy như một dòng chảy âm thầm, lặng lẽ nhưng có khả năng to lớn, là điểm tựa, là cội rễ, là nguồn vốn quý góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho dân tộc Việt Nam ta...

 Ngay sau khi giành được chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng và Nhà nước ta đã chăm lo đến sự nghiệp bảo vệ DSVH nước nhà, trong đó đặc biệt là chú ý xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ DSVH. Điều đó thể hiện ở Sắc lệnh số 65/SL ngày 23-11-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về việc giao nhiệm vụ cho Đông Dương Bác cổ Học viện Bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam.

Sau kháng chiến chống Pháp, Chính phủ ban hành Nghị định 519/TTg ngày 29-10-1957. Đất nước thống nhất được một thời gian, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh số 14LCT/HĐNN ngày 4-4-1984. Đến ngày 29-6-2001, Quốc hội thông qua Luật DSVH có hiệu lực từ ngày 1-1-2002. Các văn bản trên, văn bản sau có hiệu lực pháp lý cao hơn văn bản trước, phạm vi điều chỉnh cũng rộng hơn và phù hợp với thực tế cuộc sống trong từng giai đoạn lịch sử. Ngày 29-6-2009, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã công bố Luật DSVH năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhất, có tính quyết định đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa.

 Di tích quốc gia Nhà tù Phú Lợi thu hút nhiều du khách và học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu   Di tích chùa Hội Khánh vừa được trùng tu, xây dựng  Di tích nhà cổ Đốc phủ Đẩu nổi tiếng trong và ngoài nước  

Về tổ chức bộ máy trong 66 năm qua, nước ta đã xây dựng được một bộ máy quản lý DSVH từ Trung ương đến địa phương và đang từng bước hoàn chỉnh theo yêu cầu của thực tiễn. Đội ngũ cán bộ, chuyên môn nghiệp vụ cũng đã được chú ý đào tạo ngay trong thời kỳ chiến tranh. Hiện nay, cả nước có hàng ngàn cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có nhiều người có học hàm, học vị cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học...

Về kinh phí, từ năm 1994, Chính phủ đã cho triển khai “Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa”, trong đó có các mục tiêu: Chống xuống cấp và tôn tạo di tích, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Thông qua chương trình, hàng ngàn lượt di tích đã được chống xuống cấp và tôn tạo, hàng trăm dự án sưu tầm, lưu trữ DSVH phi vật thể được triển khai và thu được kết quả rất đáng khích lệ. Nhiều di tích không những được chống xuống cấp mà còn trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Nhiều DSVH đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người, đóng góp ngân sách thông qua bán vé, dịch vụ du lịch, hàng không, giao thông - vận tải... Những Năm du lịch Hạ Long, Festival Huế, Đêm rằm phố cổ Hội An, Con đường di sản miền Trung, Lễ hội cồng chiêng Tây nguyên... được tổ chức và đã trở thành hoạt động phục vụ du lịch thường xuyên.

Ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23-11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Quyết định này nhằm phát huy ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH dân tộc, đồng thời động viên toàn dân tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo tồn DSVH dân tộc. Từ đó đến nay, ngày DSVH Việt Nam hàng năm được tổ chức thiết thực, hiệu quả, bảo đảm các yêu cầu về giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ DSVH của toàn dân, đặc biệt là những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của các DSVH...

BÌNH MINH

Theo số liệu của Cục DSVH, tính đến nay, Việt Nam có 8.902 lễ hội, 3.106 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia (có 10 di tích quốc gia đặc biệt). Các DSVH được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là DSVH và thiên nhiên thế giới gồm có 6 DSVH thế giới là: Khu Tháp Chăm Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; 5 DSVH phi vật thể là Âm nhạc cung đình Huế - Nhã nhạc triều Nguyễn, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Hát Ca trù, Hội Gióng; 2 di sản tư liệu thế giới là Mộc bản triều Nguyễn và Bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Cả nước có 131 bảo tàng (trong đó có 12 bảo tàng công lập) hàng triệu cổ vật, hiện vật có giá trị nằm trong các bảo tàng.

Riêng đối với tỉnh Bình Dương, công tác BTBT luôn được chú trọng, quan tâm của các cấp, các ngành. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 42 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia và 31 di tích cấp tỉnh với loại hình phong phú và đa dạng về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh... công tác Bảo tàng tỉnh và nhà truyền thống các huyện, thị xã hàng năm đã sưu tầm, gìn giữ nhiều hiện vật có giá trị DSVH, xây dựng nhiều bộ sưu tập hiện vật quý có giá trị cao và trên 20.000 hiện vật các loại. Hàng năm, bảo tàng và các di tích thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt, Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi trở thành địa điểm - nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên