Điện ảnh Việt - Diện mạo mới từ phim tư nhân

Cập nhật: 22-07-2012 | 00:00:00

Từ khi Nhà nước có chính sách xã hội hóa và mở cửa cho người Việt từ nước ngoài về tham gia làm phim, Điện ảnh Việt bắt đầu “cựa mình” sau một thời gian trầm lắng, buồn tẻ. Nếu phim (nhựa) do Nhà nước sản xuất thường ì ạch, kéo dài từ năm này sang năm kia thì dòng phim tư nhân lại hết sức năng động trong việc nắm bắt thị trường và sở thích của khán giả. Doanh thu từ một số bộ phim tư nhân cũng hấp dẫn và không ít bộ phim nhận giải thưởng điện ảnh cả trong lẫn ngoài nước.

Kinh phí triệu USD

Thời gian gần đây, các hãng phim tư nhân sẵn sàng đầu tư làm phim với kinh phí cả triệu USD/phim. “Không chỉ nghĩ tới thị trường trong nước, chúng tôi muốn phát hành phim ra nước ngoài, vì thế bộ phim không chỉ có nội dung đậm nét văn hóa Việt mà phần âm thanh, kỹ thuật cũng phải đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế” - đạo diễn Quang Hải chia sẻ về việc tại sao phải đầu tư kinh phí cao cho phim. Anh đang trong thời gian quay hình bộ phim Mùa hè lạnh do anh viết kịch bản và làm đạo diễn. Đây là bộ phim đầu tiên của Hãng Vimax Films của chính Quang Hải. Dù không tiết lộ con số chính xác, nhưng cứ nhìn vào sự đầu tư cũng có thể ước tính kinh phí cho Mùa hè lạnh phải trên dưới 1 triệu USD. Ngay sau khi hoàn tất phim này, Quang Hải tiếp tục cho triển khai sản xuất phim nhựa tiếp theo Ngừng đặt cược với kinh phí sêm sêm Mùa hè lạnh.

 Phim 3D Mỹ nhân kế với kinh phí đầu tư gần 20 tỷ đồng sẽ ra rạp vào Tết 2013. Hãng phim Thiên Ngân cũng đang thực hiện bộ phim 3D Mỹ nhân kế (kịch bản và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), thể loại hành động, hài hước với kinh phí gần 20 tỷ đồng (xấp xỉ 1 triệu USD). Bà Thanh Hương, Giám đốc Hãng phim Thiên Ngân cho biết: “Kinh phí 20 tỷ đồng cho một bộ phim 3D không có gì cao so với nước ngoài. Chúng tôi đã từng làm phim 3D (Bóng ma học đường - PV) và đã thành công, nên có thể tự tin để đầu tư tiếp tục sản xuất phim dạng này. Đó là sự cập nhật công nghệ của thế giới và chúng tôi hy vọng kết quả tốt”.

Nói về kinh phí đầu tư triệu USD, trước đó đã từng có các phim: Dòng máu anh hùng (1,6 triệu USD), Bẫy rồng (800.000 USD - Hãng phim Chánh Phương), Áo lụa Hà Đông (Hãng phim Phước Sang), Thiên mệnh anh hùng (Phương Nam phim), tới đây có Con đường vô tận (Trần Bảo Sơn - Trương Ngọc Ánh) và danh sách phim có giá triệu USD hoặc hơn thế sẽ còn nối dài…

 Tăng sự hiện diện ở nước ngoài

Làm phim chỉ để chiếu tại Việt Nam ít có khả năng thu hồi vốn. “Chúng tôi sẵn đầu tư lớn vì mong muốn có một sản phẩm thật sự chất lượng, có thể bán được cho nước ngoài và tham gia những liên hoan phim quốc tế. Đây là sự tính toán, cân nhắc rất thận trọng” - ông Lê Lam Viên, Giám đốc Phương Nam phim (NSX Thiên mệnh anh hùng) thẳng thắn.

Đạo diễn Ngô Quang Hải cũng cho rằng: “Nếu không đầu tư tốt, phim không có chất lượng - cả nội dung lẫn kỹ thuật, không thể phát hành ra thị trường nước ngoài. Trong khi đó, phát hành phim tại Việt Nam khó lấy lại vốn, nói gì đến lời. Một thực tế nữa là tại Việt Nam, các cụm rạp hiện đại như MegaStar, Galaxy đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, nếu phim không đạt kỹ thuật sẽ khó có cơ hội vào các cụm rạp này”.

Theo tìm hiểu của người viết, còn một lý do khác cũng rất quan trọng khiến người làm phim quyết tâm đầu tư, đó là việc gửi phim tham dự các liên hoan phim thế giới lớn. Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng đã tham gia một số LHP quốc tế và bán bản quyền phát hành cho nước ngoài (cả phim nhựa, DVD, truyền hình cáp); riêng Bẫy rồng đã phát trên kênh StarMovie. Thiên mệnh anh hùng sau khi bán bản quyền cho thị trường châu Âu (nói tiếng Anh) và Đông Âu (nói tiếng Đức), sẽ tham gia LHP tại Canada vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 này. Dù chưa hoàn thành, nhưng Mùa hè lạnh và Ngừng đặt cược đã có kế hoạch tham gia một số LHP thế giới và NSX cũng đã liên hệ với một số nhà phát hành phim nước ngoài để phim “xuất ngoại” ngay khi có thể.

Giờ đây, trước một dự án phim mới, NSX thường phải lên kế hoạch chi tiết, cụ thể cho từng khâu: chọn nội dung - thể loại gì, đầu tư sản xuất bao nhiêu, sản phẩm phát hành như thế nào, quảng cáo ra sao… Việc tham gia làm phim của các NSX phim tư nhân với những bộ phim được đầu tư kinh phí tốt, nội dung hấp dẫn đã phần nào thay đổi tư duy ù lì, quen kiểu bao cấp; mang lại cho điện ảnh một diện mạo mới, không khí làm phim, xem phim trở nên sôi động. Có mặt tại nhiều LHP lớn, điện ảnh Việt Nam đã tiếp cận gần hơn với điện ảnh thế giới và ít nhiều gây được chú ý bằng chính những bộ phim “Made in Việt Nam”.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=356
Quay lên trên