Màu của ráng chiều...
Cập nhật: 21-07-2012 | 00:00:00
Khi đứa trẻ
cuối cùng được mẹ đón về, trường mầm non tư thục Sơn Ca trở nên vắng lặng. Bà
Nhung đi từ tầng trên xuống văn phòng. Giờ này chỉ còn cô Loan hiệu trưởng kiêm
thủ quỹ kiêm kế toán cất vội xấp tiền học phí một phụ huynh mới đóng vào két sắt
và đang chuẩn bị ra về.- Hôm nay
không có ai hỏi gì cô hả cháu? Bà Nhung hơi hơi thẹn khi thấy mình buột miệng hỏi
câu này.- Tại cô hết.
Khi người ta đến, đuổi như đuổi tà. Giờ vắng lại nhớ chứ gì?Nhớ - một từ
ngắn gọn, khô khốc vậy mà làm bà đau khổ suốt bao năm qua. Nhớ đến điên cuồng,
thắt ruột thắt gan khi ông cưới bà về... để đó rồi vào chiến trường. Chồng đi,
sống chết trong gang tấc nên người vợ trẻ như bà ở nhà vừa nhớ vừa lo sợ. Đến
ngày phát hiện đứa con bắt đầu quẫy đạp trong bụng mình nỗi nhớ chồng cũng chẳng
nguôi ngoai. Nhớ và mong ước sẽ khoe khi chồng trở về đứa con bụ bẫm và chắc chắn
sẽ giống ba như đúc như tạc. - Ừ, cả tuần
nay không có tin... người ta. Nhớ gì? là cô lo “họ” có bệnh đau gì không... Bà
Nhung nói khi cô Loan xách giỏ đứng lên. Bà đi ra khỏi phòng là nhà mình cho cô
hiệu trưởng đóng cửa.- Nếu là con, con để chú quay lại... Cô Loan nói thêm khi đã ngồi trên
xe...Còn lại một mình trong căn nhà - giờ là trường học rộng thênh, bà Nhung trở
lên lầu. Dưới sân chỉ còn anh bảo vệ, cánh cổng cao, nặng nề được khóa cẩn thận.Tầng lầu trên cùng là “góc riêng” của bà. Phía trước một bàn thờ Phật, thờ
tổ tiên. Phía sau bức tường ngăn là nơi đặt bàn làm việc, giường ngủ. Tính ra,
diện tích sử dụng của một người như bà chỉ cần có thế. Vậy mà khi xây nhà, bà đã
làm hết khả năng của mình cho thằng Thắng. Bởi bà nghĩ đến tương lai khi nó du
học về, nó sẽ cưới vợ. Bà sẽ có những đứa cháu nội để nghe nói chuyện bi bô suốt
ngày. Tính là vậy nhưng căn nhà mênh mông đó cũng là nơi nhiều nhất vẫn chỉ có
hai người là bà với thằng Thắng. Hai mẹ con có khi trong nhà phải gọi điện nói
chuyện kẻo đi tìm nhau... mỏi chân! Bà mơ ước con mình thành đạt, giỏi giang.
Thì đó, giờ nó thuộc vào hàng công dân... đa quốc gia. Đi đi về về liên tục chứ
có ở nhà quá một tuần đâu.Xã hội tự sắp xếp môn đăng hộ đối. Bà Nhung nghĩ vậy khi Thắng đưa bạn gái
về nhà chơi. Cô bé dễ thương, nhà giàu còn gấp mấy lần thằng Thắng. Nhưng, giàu
có đôi khi... bất tiện! Trước ngày cưới, một cuộc họp của hai gia đình được sắp
đặt. Bà thông gia: “Chị ơi, em có mỗi đứa con gái nên cho em bắt rể”. Bà Nhung:
“Em ơi, thằng Thắng qua bên đó, mình chị biết làm gì trong căn nhà quá rộng
này?”. Con dâu bà đưa giải pháp: ở riêng. Tụi con dư khả năng làm nhà và muốn
có không gian riêng. Không ảnh hưởng đến ai. Nhà hai mẹ, thỉnh thoảng tụi con về thăm. Hai bà mẹ tưởng nhà đông người hơn cho
bớt quạnh quẽ. Giờ mỗi nhà vắng thêm một người...Không biết làm gì cho hết phòng khi con dọn ra riêng, bà Nhung treo bảng
cho thuê nhà và từ đó, căn nhà năm tầng, có vườn có sân của bà biến thành trường
mầm non tư thục Sơn Ca này đây...Lại là nỗi nhớ dẫn dắt bà Nhung quay ngược về quá khứ khi kéo tấm nệm ra thực
hành bài yoga. Định tâm làm sao được khi ông ấy tự nhiên biệt tăm tích thế
này...Bà đã sinh thằng con bụ bẫm, sau chiến tranh, chồng bà cũng trở về bình an
như bà mong mỏi. Bà Nhung những tưởng cuộc đời của mình giờ đã sang trang, đã hết
nhớ mong, hết sống trong âu lo, cầu khấn suốt đêm ngày. Ngày thu dọn để theo chồng
cùng vào Nam làm kinh tế mới, bà lại háo hức như cô dâu mới về nhà chồng lần nữa.
Vốn là cô gái quê giỏi giang, mạnh khỏe nên bà cùng chồng phát nương, làm rẫy
ngày này qua tháng khác. Đất bom cày đạn xới giờ người cày. Xanh tươi ngút ngàn.
Khoảng đất khai hoang ngày càng rộng ra. Cuộc sống vất vả nhưng vui tươi, đầm ấm
không gì bằng. Bà thích nhất là những lần cùng chồng vác cuốc từ rẫy về nhà
trong ráng chiều ánh hồng lên sau cơn mưa. Cầu vồng bảy sắc rực rỡ làm cho nụ cười
bà rạng ngời hơn và bao mệt nhọc tiêu tan hết. Anh nhìn xem, màu của ráng chiều
thật đẹp. Khác với vẻ háo hức của người vợ trẻ, người chồng chỉ ậm ừ cho qua. Có
khi bà hỏi cắc cớ: “Đố anh ráng chiều màu gì?”. Người chồng thường im lặng hoặc
có khi gắt: “Mệt mỏi gần chết. Cày như trâu cả ngày để vỡ đất, ở đó mà mơ mộng
hão huyền”... Sau đó, thỉnh thoảng, bà bất giác thấy chồng thở dài, nhìn xa xăm
như lo lắng điều gì...Cho tới một hôm mệt quá bà ở nhà và ngủ thiếp một giấc dài. Thức dậy đã xế
chiều. Nghĩ mình nên đem thức ăn cho chồng, bù cái tội ngủ cả ngày để chồng làm
một mình. Mắt người vợ trẻ dáo dác tìm chồng... Ánh mắt khựng lại khi nhìn về
phía cuối rẫy. Chồng bà đang ngồi bên cạnh một người đàn bà lạ, tay trong tay
nhau. Mái đầu người đàn bà đặt âu yếm trên vai ông. Đứa bé gái bằng tuổi thằng
Thắng đứng tần ngần bên cạnh với cái hoa dại xoay xoay trong tay.Người vợ trẻ là bà Nhung hồi đó bước lại. Cố gắng để đôi chân không khuỵu
xuống. Cố gắng để nước mắt không tuôn rơi.Người chồng và người lạ cùng ngước mắt lên một lúc. Đứa bé gái sợ dúm dó sà
vào lòng mẹ khi thấy một người cầm cuốc phăm phăm bước về phía cả ba người...Không cần lời giải thích của chồng khi gương mặt con bé, ánh mắt con bé chẳng
khác nào thằng anh (hay em?) nó là thằng Thắng con bà đang chờ ba mẹ trở về sau
một ngày làm rẫy.Không cần nghe một lời nào nữa, bà Nhung quăng cây cuốc và bỏ chạy về nhà,
một mình...Những ngày giằng xé đến nhói lòng khi trong nhà có hai mẹ con người lạ đến “tá
túc”. Ông chồng im lặng như chờ đón tất cả sự giận giữ của người vợ trút xuống.
“Người lạ” ẩn nhẫn chịu đựng sự im lặng đáng
sợ của người vợ chính thức. Người vợ câm lặng cho nỗi đau bẽ bàng. Hóa ra, khi
mình chờ chồng đi qua cuộc chiến, khi mình mong mỏi chồng chân cứng đá mềm và
lo lắng không có ai bầu bạn, sẻ chia thì ông đã có người thương yêu bên cạnh như
thế này đây... Hóa ra, đó là lý do ông tất bật xuôi Nam sau ngày trở về. Căn
nhà bên suối, bên rẫy không còn hữu tình. Ráng chiều với bà Nhung không còn thắm
thiết nữa. Tất cả là một màn đêm sắp buông với sự bối rối, khó xử của một căn
nhà thừa thải một vài người. Duy chỉ có hai đứa trẻ vô tư vẫn chơi với nhau. Tình
máu mủ ruột rà thật lạ lùng, nó tự níu nhau mà đến...Không thể chịu nổi sự bức bối, uất ức thêm nữa, bà Nhung dẫn con trai đi với
lời nguyền cho ông hết nhìn mặt vợ con.Bà xin vào làm cho một nông trường cao su xa xôi hơn, hẻo lánh hơn để ông
không còn tìm thấy mình, để quên đi những nhọc nhằn, cả những ngày hạnh phúc đã
qua. Để sống, để quên, để con không thua kém ai, bà làm tất cả mọi việc. Công
nhân, cô giáo giữ trẻ, cán bộ đoàn hội rồi cán bộ quản lý... Tất tần tật mọi việc
bà đều làm tốt với tư chất của người không chịu kém cạnh ai, với cả sự căm hận.Chồng bà Nhung dò hỏi và tìm ra nơi vợ con sinh sống khi bà đã giàu có, con
trai đã vào đại học. Tất cả những uất ức, căm giận kết lại thành những lời độc địa
nhất bà dành cho ông. Ông về đi. Tôi tuyệt đối không chịu cảnh chồng chung. Thằng
Thắng sợ mẹ buồn nên khi bà cấm cửa ông, nó không dám can ngăn mẹ. Thỉnh thoảng,
nó lén lút thăm ba và con Thắm - nghe đâu cũng là một nữ sinh vừa đẹp vừa học
giỏi...Đói bụng. Sau buổi tập yoga, bà đi xuống bếp xúc tô cơm ăn. Phía văn phòng,
người bảo vệ đang coi phim bộ Hàn Quốc gì đó...Công việc cuối ngày của bà Nhung là coi sổ sách. Tiền thuê trường cô Loan mới
gửi hồi sáng. Tiền mủ cao su hàng tháng người quản lý trang trại cũng mới đưa về.
Mai lại đến hạn bà “thảy” vào ngân hàng để những con số không trong tài khoản
dài hơn. Cũng chẳng biết làm gì khi tiền tiêu không hết. Bà cười và chua chát
nghĩ thế khi nhìn quanh căn phòng rộng...
Không biết sao ông lại tìm ra căn nhà là trường học này của bà Nhung. Từ
ngày bà bỏ quê lên phố, họ lại bặt tin nhau. Ngày ông đến tìm, bà mừng lắm nhưng
cố giấu kín cảm xúc. Bà đã kêu bảo vệ trường đuổi ông đi. Ông gọi điện thoại
vào máy di động của bà, bà tắt máy, ngắt nguồn. Ông gọi vào máy bàn, bà Nhung bảo
cô Loan đừng nghe hoặc nói tui đi vắng...Miên man với dòng nhớ, bà Nhung nghe tiếng chuông cổng. Ai lại đến vào lúc
gần nửa đêm thế này? Lẽ nào là ông ấy?Con trai bà tự lái xe hơi đến. Nó thông báo ngắn gọn: “Em Thắm mới gọi cho
con báo dì Thúy mất rồi. Mẹ thay đồ đi với con. Nghĩa tử là nghĩa tận mà mẹ...”.Như người vô hồn, bà Nhung lật đật đi theo con trai.Hóa ra, bà sống cách “gia đình họ”
có gần hai mươi cây số. Hóa ra, con bà thuộc làu đường đến nhà ba nó từ mười mấy
năm nay. Xe nó cứ bon bon từ đường lớn đến đường nhỏ, đến con hẻm dài và căn
nhà vườn bình yên nơi cuối đường...Thắm, mắt đỏ hoe khoanh tay: “Con thưa má!”. Bà Nhung không gặp lại con bé
từ ngày bỏ nhà, bỏ rẫy dẫn con đi. “Thưa ngoại đi con!”. Thắm nói ân cần với
hai đứa con trai của mình. Hai thằng bé ngạc nhiên tròn mắt nhìn bà ngoại đang
nằm im trên giường chờ khâm liệm và một ngoại “trên trời rơi xuống” đứng tần ngần
giữa nhà.“Em đến à? Cảm ơn em!”. “Ông cảm ơn cái gì? Là tôi đến... cho phải phép”. “Ừ.
Em nói sao cũng được. Anh và... cô ấy nợ em lời xin lỗi. Cô ấy vẫn ân hận
mãi...”. “Khỏi. Ông không cần nói gì lúc này”. “Anh chuyển về đây và đã bán hết
đất đai nhà cửa nơi cũ. Phần của em và con anh vẫn để dành lại đó, không đụng tới.
Cô ấy cứ giục anh đi tìm em mãi, trả lại những gì là công sức của em... Những lần
đến tìm, là anh cố tình nói chuyện có trước sau nhưng em đuổi anh về, có cho
nói gì đâu?”. “Tôi đã bảo ông không nói gì nữa trong lúc này”... Những lời nhấm
nhẵng của bà Nhung làm ông khựng lại. Câu chuyện rơi vào lòng đêm. Tiếng côn
trùng nỉ non. Mọi người vẫn thức lo cho người quá cố được yên nghỉ với những
nghi lễ cuối cùng... Quá ít người thân. Giá mà bên cạnh mình nhiều người hơn
khi nằm xuống. Bà Nhung nghĩ thế khi thầm biết từ nay bao oán trách cũng sẽ kéo
nhau mà đi khỏi tâm trí mình...“Cô ấy muốn hỏa táng và đưa tro cốt về rải ở khúc sông quê nhà. Em và
con...”. “Thì đi chứ sao. Ông à... anh khỏi lo. Tôi cũng muốn về thăm quê cô ấy
một lần...”. Thắng nhìn ba mẹ và cười nhẹ. Thắm lại nhỏ nhẹ: “Con cảm ơn má!”...“Người đi cũng đã đi rồi, anh đừng đau buồn quá như thế”. Bà Nhung nói nửa
như an ủi, nửa như trách chồng, nửa như tủi phận. Và bến sông hôm ấy ráng chiều
lại lên thắm thiết, nồng nàn. Bà Nhung nghe tiếng ông: “Màu của bình yên, hạnh
phúc sau một ngày làm lụng bên người thân! Có phải ngày xưa em muốn anh nói như
thế khi hỏi về màu của ráng chiều? Anh còn nợ em câu trả lời này nữa...”.Bà Nhung không nói gì, bà nhìn ráng chiều và lần này, bà để cho mắt mình ướt... * TRẦN QUỲNH
NHƯ