Hàng năm, nhu cầu sử dụng điện trên phạm vi toàn quốc nói chung và của tỉnh Bình Dương nói riêng luôn tăng mạnh. Trong khi đó, các dự án, công trình điện gần như “chạy” không kịp với tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện. Việc Chính phủ chủ trương “xã hội hóa” khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực cho việc chia sẻ gánh nặng cho ngành điện, cũng như nhân rộng, phát triển mô hình năng lượng xanh, sạch phục vụ quá trình phát triển đô thị văn minh, xanh sạch trong tương lai.
Một gian hàng giới thiệu sản phẩm điện mặt trời áp mái tại hội thảo vào sáng 20-3
Khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư
Có thể nói Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11-4-2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam cùng Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 12-9-2017 quy định về phát triển hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời đã mở ra một cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư, phát triển nguồn năng lượng sạch phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, do các quy trình, thủ tục cũng như các chính sách liên quan trước đây vẫn còn chưa “rạch ròi” khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn chưa yên tâm, mạnh dạn đầu tư cho việc phát triển điện năng lượng mặt trời.
Để giúp các doanh nghiệp, cá nhân có các thông tin kịp thời, sáng 20-3, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, Sở Công thương phối hợp Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD) tổ chức hội thảo “Điện năng lượng mặt trời lắp mái nhà - Giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả”. Hội thảo đã thu hút gần 200 đại biểu là đại diện các khách hàng của PCBD trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của ngành điện tỉnh, đến nay không riêng gì công tác đầu tư hệ thống điện trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn mà hầu hết các dự án khác trong phạm vi toàn quốc cũng rơi vào cảnh khó khăn tương tự do chậm tiến độ không đáp ứng kịp nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp và người dân. Trước áp lực về việc thiếu hụt điện, ngành điện đã chủ động đẩy nhanh các tiến độ các dự án; tăng cường công tác tiết kiệm điện; đồng thời triển khai thực hiện chương trình điều hòa phụ tải; đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời...
Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống điện mặt trời sau đó có thể bán lại cho phía điện lực, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-1-2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo quyết định mới sửa đổi, bên bán điện thực hiện thanh toán lượng điện năng nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành. Bên mua điện thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện với giá mua bán điện quy định như đối với dự án điện mặt trời nối lưới. Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí. Giá mua bán điện đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo được xác định trên cơ sở tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước.
Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết là một trong những tỉnh, thành có tốc độ phát triển công nghiệp cao của cả nước, nhu cầu sử dụng điện của tỉnh tăng hàng năm trên 10%, năm 2018 tỉnh tiêu thụ hơn 12,4 triệu kWh. Dự báo từ nay đến năm 2023, nhu cầu điện của tỉnh sẽ còn tăng mạnh, trong khi đó tỉnh đang tập trung xây dựng thành phố thông minh nên chủ trương khuyến khích dùng nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phục vụ quá trình phát triển. Hiện nay, bên cạnh các chính sách khuyến khích của Chính phủ, bộ ngành ban hành, Sở Công thương đang xây dựng đề cương trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng phối hợp với các tổ chức, nhà tài trợ nhằm vận động, tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân hiểu được các lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời.
“Qua khảo sát, đánh giá trên địa bàn thì việc sử dụng điện áp mái cho các doanh nghiệp là rất tốt, điều kiện về địa lý, lượng nắng quanh năm tốt rất thuận lợi cho phát triển nguồn năng lượng này”, ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương chia sẻ.
Kỳ vọng… nguồn năng lượng vô tận!
Nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư ban đầu chi phí cao, nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất cho doanh nghiệp chính là vấn đề quan tâm hàng đầu, nhất là hiệu quả kinh tế mang lại khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân chưa mạnh dạn đầu tư sử dụng nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, ông Mai Văn Trung, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty SolarBk, khẳng định việc đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái có thể tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, tổ chức vì nhà đầu tư có thể bán lại cho ngành điện theo quy định về giá bán đã được ban hành. Ngoài ra, về khoản đầu tư cho hệ thống điện mặt trời hiện cũng có nhiều phương án cho doanh nghiệp, tổ chức cá nhân lựa chọn theo hình thức vay vốn cho các ngân hàng hỗ trợ hoặc đơn vị có thể đầu tư, lắp đặt và bán điện cho doanh nghiệp giả rẻ hơn 5% so với mức giá của điện lưới. Về hiệu quả kinh tế, ông Trung đưa ra dẫn chứng, nếu một hộ gia đình sử dụng điện trung bình khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng thì với chi phí đầu tư điện năng lượng mặt trời, mỗi hộ có thể tiết kiệm tiền điện khoảng 500.000 đồng mỗi tháng.
Thượng tá Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần ICD Tân Cảng Sóng Thần, cho biết kể từ lúc đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái từ tháng 3-2018, đơn vị đã tiết kiệm được khoảng 10 - 15% tiền điện so với trước đây. Song, theo thượng tá Sơn, hiệu quả là một chuyện nhưng vấn đề mà đơn vị quan tâm hơn khi sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, phục vụ được chủ trương phát triển “Logistics xanh”, phù hợp với nhu cầu phát triển ngành Logistics trên thế giới đang đề ra.
“Việc sử dụng điện năng lượng mặt trời không những giúp chúng tôi giảm được chi phí mà còn có ý nghĩa, giá trị to lớn đó là phục vụ cho cộng đồng xã hội. Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới cần có một cơ chế để tận dụng mọi nguồn lực của xã hội để tham gia cùng Nhà nước trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”, thượng tá Nguyễn Thành Sơn nói.
Theo PCBD, đến nay toàn tỉnh có 72 tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời, trong đó có 50 hộ lắp đặt điện mặt trời cho mục đích sinh hoạt với tổng công suất đạt 119,25 kWp, sản lượng điện phát lên lưới đạt 140,786 kWh. Riêng trong năm 2019, dự kiến PCBD dành gần 10 tỷ đồng để đầu tư 11 dự án năng lượng mặt trời với 974 tấm pin năng lượng mặt trời, tổng diện tích 2.095m2, đạt công suất gần 340,9 kWp phục vụ cho nhu cầu điện sử dụng tại trụ sở làm việc và các đơn vị trực thuộc.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối năm 2018, trên cả nước đã có khoảng 1.500 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái nối lưới, với tổng công suất trên 19.000 kWp. Các khách hàng này đã được ngành điện lắp đặt công-tơ đo đếm hai chiều. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh là đơn vị đi đầu với hơn 900 khách hàng lắp đặt điện mặt trời nối lưới, tổng công suất 10.382 kWp.
Tại hội thảo, đại diện ngành điện đã cung cấp nhiều nội dung thiết thực về cơ sở pháp lý, các chính sách liên quan của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển các dự án điện mặt trời, sử dụng năng lượng xanh, tái tạo. Cụ thể, như các chính sách liên quan, hướng dẫn thủ tục đấu nối lưới điện, cơ chế mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời; giới thiệu công nghệ - kỹ thuật lắp đặt; đồng thời các đại biểu tham dự cũng chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án điện mặt trời đã triển khai trong thực tế cũng như những hiệu quả kinh tế bước đầu được triển khai toàn quốc nói chung và tại tỉnh Bình Dương nói riêng… Qua đó, giúp các tổ chức, đơn vị nắm bắt các cơ chế khuyến khích phát triển, quy trình vận hành cũng như tiện ích đem lại trong phát triển các dự án điện mặt trời nói chung và điện mặt trời lắp mái nói riêng, góp phần tiến tới việc chủ động bảo đảm nguồn cung cấp điện quốc gia.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2030, tổng nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng từ 4 - 7 lần so với mức cơ sở. Dự báo đến năm 2023, hệ thống điện sẽ thiếu hụt 12 tỷ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả nước và gần bằng sản lượng điện cung ứng cho tỉnh Bình Dương trong 1 năm. Vì vậy, để bảo đảm nguồn cung cấp điện, một trong những giải pháp được Chính phủ đặt ra là phát triển điện mặt trời đạt 1 gWp vào năm 2020, hướng tới mở rộng ứng dụng việc năng lượng tái tạo, với mục tiêu đạt 6% tổng lượng điện sản xuất vào năm 2030.
MINH DUY