Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 22-09-2014 | 09:00:09

>> Xem kỳ trước

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

15. Tôi cố gắng hình dung ra xứ Thanh Hóa, để có thể hiểu phần nào những điều kiện liên quan đến cuộc sống mà nhân vật của tôi đã trải qua. Tuổi thơ ấu loạn lạc diễn ra khi tôi còn quá nhỏ cũng ở Thanh Hóa, theo cha mẹ vào kháng chiến. Cái xứ mà từ nay trong câu chuyện đang kể đó luôn luôn xuất hiện, ở tôi chỉ mờ mịt tầm mắt của đứa trẻ còn ngồi trên thúng người mẹ gánh đi chạy loạn.

Để công tác tốt, ông đã “nắm chắc” các nhân vật của nhân vật chí, tác phẩm tự tạo của mình. Nhờ thế, có thể thuộc làu làu Đỗ Hùng là ai, cử Soạn, cử Nhị là ai? Thái độ chính trị của họ thế nào. Tại sao có làng Ngò, gọi là Ngò Xá, có cụ cử Ngò. Con cháu hậu duệ của cụ cử Ngò là Hoàng Văn Chí, Hoàng Văn Tại, nổi tiếng một thời. Để có mối liên hệ dân chúng, ông trao cho các huyện, xã giới thiệu những người tốt. Họ giúp ông nắm được các âm mưu của kẻ xấu, dập đi bao nhiêu mầm họa, bảo vệ được người nông dân hiền lành. Nhiều người không phải hàng năm đi giành đất xã khác, đánh giết đổ máu, vừa đói nghèo, vừa sống trong lo lắng sợ hãi suốt cả đời.

Hoàng Đạo lo việc an ninh bảo vệ chính quyền cách mạng, Tố Hữu lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy, Đặng Thai Mai là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến.

Ông quen Nguyễn Bình từ những năm 1936-1937, gặp nhau ở Hải Phòng họ đã cùng nhau lập ra Đông Dương Công Nghệ xã ở Hải Phòng. Khi mặt trận Bình Dân bên Pháp thành công, một số tù chính trị được thả. Trong số đó có Nguyễn Phương Thảo (tức Nguyễn Bình) và nhiều người khác. Nguyễn Bình về Bần Yên Nhân. Hoàng Đạo còn nhớ cái trụ sở ở số 120 đường Hàng Kênh. Họ lập công nghệ xã hợp pháp, nhưng thực ra bên trong làm vũ khí cho cách mạng. “Lịch sử phải ghi nhận chỗ này”. Hoàng Đạo nói, lúc còn mua dầu rái Biên Hòa đem ra đó làm dầu hỏa để đốt đèn, gọi là dầu Phúc Thảo, mỡ bò làm nến. Người đứng đầu công nghệ xã là Nguyễn Quốc Tuấn biết tiếng Pháp đứng ra xin môn bài để sản xuất. Từ đầu ông quen biết được những nhân vật này? Ông nói rằng cuộc đời hoạt động quen nhiều tổ chức, kể cả những người trong Quốc dân Đảng thân Cộng sản ở ngoài Côn Lôn. “Trần Huy Liệu lúc ấy còn ở trong Quốc dân Đảng, bị tù đày, bị đâm lòi mắt bằng bàn chải nhọn”. Quả thật nghe những chi tiết như vậy cũng đủ thấy góc cạnh gay gắt những năm cam go của cuộc cách mạng, thông qua số phận của mỗi cá nhân, dù chỉ thoáng hiện vài hình ảnh.

Nguyễn Bình đã vào miền Đông cùng hoạt động với ông Trần Đình Xu, Huỳnh Thiện Nghệ, Tô Ký, Đào Sơn Tây, có công trong những việc tập hợp đoàn kết xây dựng chiến khu Đ, lúc đó mới phân rõ ai hậu cần ai vũ khí. Nguyễn Bình cùng Bộ Tư lệnh phía Nam đương đầu với quân viễn chinh Pháp. Chứ trước kia có lúc tình hình rất tản mạn. Chỗ này anh Ba, chỗ kia anh Bảy, chỗ nọ Bình Xuyên. Ai cũng lập chi đội, không ai chịu ai hết. Mỗi chi đội chống Pháp càn quét bảo vệ dân trong khu vực của mình. Đến hôm nay, kể lại chuyện này, ông còn ngậm ngùi: “Khi Nguyễn Bình ra Bắc, tới ngã ba biên giới ở Lâm Đồng, Pháp phục kích bắn chết ông. Chúng còn phao tin Việt Minh sát hại nhau”.

Tôi lại phải “kéo” câu chuyện của ông, theo ký ức miên man đã bỏ đoạn Thanh Hóa khá xa. Tất nhiên thế hệ sau này khó lòng hình dung ra nổi xứ sở nhỏ bé Thanh Hóa cách nay đã hơn nửa thế kỷ ấy như thế nào. Khi tiếp chuyện Hoàng Đạo, cái không khí gian nan và hào hùng được sống dậy, rõ hình ảnh của cuộc đời ông”. Một lần ra Huế gặp Hải Triều, tôi ghé nhà Nguyễn Phan Long ở Tân Sơn Nhì - Tôi nói: “Lẽ ra cách mạng là phải trừ bớt những người đối lập chống đối như anh - Anh có tài, tôi xin anh đừng cộng tác với Pháp” - Chúng ta hẳn nhớ nhà báo, chủ bút Nguyễn Phan Long đã có mối quan hệ tốt như thế nào khi Hoàng Đạo còn là một thanh niên ít học nhưng lao vào đời sống để viết báo. Chính vì mối quan hệ thân tình đó mà họ có thể nói thẳng với nhau những câu như vậy - Nguyễn Phan Long hứa “vai trò trí thức lập hiến của chúng tôi đã cáo chung. Giờ đây đến Công nông các anh, nếu có gì có lợi cho đất nước, tôi sẽ báo cho anh”. Nguyễn Phan Long còn cho Hoàng Đạo một ít tiền để có thể đạp xe ra Huế gặp những cán bộ chính quyền cách mạng lúc đó như Hải Triều, Tố Hữu, Nguyễn Văn Ngọc... Để đối phó với giặc Tàu Tưởng đang nâng đỡ đám lưu vong, đối với tỉnh nhỏ mà quan trọng như Thanh Hóa, cần một người kiên quyết, có uy tín, có lý lẽ để lo việc an ninh cho chính quyền. Cái “vai” ấy không có gì bằng chọn Hoàng Đạo. Đó là lý do một người công nhân đường sắt Dĩ An, hoạt động chủ yếu ở Nam bộ, bỗng thành một giám đốc công an gần như đầu tiên ở Thanh Hóa. Khung cảnh những ngày đầu tiên ấy: “Tàu Tưởng vào đến Thanh Hóa, đóng ở nội thành. Quốc dân Đảng đóng ở khách sạn Tứ Dân, lập chính quyền cơ sở, các trạm gác trong thành phố. Việt Minh thì đóng ở tòa công sứ. Công việc lúc đó giao cho ông Vũ Đình Chung - Trưởng ty Trinh sát, sau đó ông Chung bàn giao lại cho tôi chính thức làm Trưởng ty Công an. Lúc đó còn những kẻ dám lên diễn thuyết chửi cách mạng. Tôi quyết liệt giành diễn đàn đập lại, nói rõ chương trình hành động của Việt Minh”. Những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ đó, ngay tòa án cũng toàn người làm tòa án cũ, theo tổ chức tư pháp cũ, chưa có cả Viện Kiểm sát. Mỗi tỉnh tổ chức tư pháp riêng. Mãi tới đầu năm 1946 mới tổ chức chính quyền cách mạng một cách có hệ thống: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ông còn nhớ biện lý Nguyễn Thế Hùng còn mời ông tuyên thệ trước biện lý cục để nhận chức Ủy viên. Ông không nhận lời, vì là người của Việt Minh Trung bộ, chịu sự bổ nhiệm Nha Công an Việt Nam.

Chính những ngày này, ông mới có dịp quen biết cùng làm việc với vị danh tướng Nguyễn Sơn.

Theo như Hoàng Đạo tả, tướng Nguyễn Sơn làm Tư lệnh Quân khu 4, cùng lớp với Hồ Tùng Mậu - Ông thường mặc bộ bà ba đen, tóc quăn, để đầu trần ít khi mũ nón, đi chiếc xe cuốc thường có hai bảo vệ chạy theo. Thời kháng chiến, những khi có điều kiện, ông hút thuốc lá thơm.

“Lạ nhất là ông tướng đó văn võ song toàn, vẽ rất đẹp, hướng dẫn mọi người chuốt bút chì như một họa sĩ - Thường gặp nhau trong các hội nghị. Lúc luyện tập, ông chạy đường dài 6 km, lính chạy phía sau.

Kể đến đây, Hoàng Đạo muốn cắt ngang câu chuyện bởi sẽ còn nhớ đến tướng Nguyễn Sơn nhiều nữa vào các đoạn sau, khi mà sự ra đời của A.13 là một câu chuyện dài. (Còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên