Đại dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết mọi ngành, nghề, đối tượng trên phạm vi toàn cầu, trong đó có doanh nghiệp (DN) và công nhân lao động (CNLĐ). Ở Việt Nam, dù dịch bệnh được khống chế tốt song DN cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do kinh tế thế giới sụt giảm, nguồn nguyên liệu sản xuất bị gián đoạn… Vì vậy, Chính phủ đã ban hành kịp thời, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều chính sách, biện pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Đó là bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa, dịch vụ; là tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục, chi phí cho DN, phát triển cơ sở hạ tầng, logistics… là tích cực triển khai các hiệp định thương mại tự do với các đối tác. Đặc biệt, còn hỗ trợ các DN, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra để tiếp tục sản xuất, kinh doanh… Tại Bình Dương, nhằm kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách đó, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động (NLĐ), đặc biệt là công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động nổi bật là phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể tại các địa phương vận động các cơ sở kinh doanh nhà trọ miễn, giảm tiền phòng cho NLĐ thuê trọ. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã sử dụng nguồn tài chính tích lũy hàng chục tỷ đồng hỗ trợ đoàn viên, NLĐ vay với lãi suất ưu đãi thông qua Tổ chức Tài chính vi mô (CEP); trao Quỹ hỗ trợ CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hàng ngàn phần quà tặng cũng đã đến tận tay NLĐ… Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã triển khai các giải pháp và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến DN để kịp thời hỗ trợ NLĐ. Các tổ chức, đoàn thể cũng kịp thời triển khai chương trình bình ổn giá hỗ trợ công nhân viên chức, NLĐ; ưu đãi các hàng hóa nhu yếu phẩm, thực phẩm cho CNLĐ, cụ thể như “Phiên chợ 0 đồng” do Đoàn Thanh niên các địa phương trong tỉnh tổ chức đã thu hút nhiều NLĐ đến nhận hàng miễn phí… Đi cùng đó, các DN cũng đã chủ động sắp xếp lại công việc, giảm giờ tăng ca, điều chỉnh ca làm việc theo khối lượng hiện có và cho công nhân thay nhau nghỉ phép năm, góp phần ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn trước mắt.
Bình Dương đã gắn liền với thương hiệu nghĩa tình bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như xây nhà ở cho công nhân, chuyến xe Xuân nghĩa tình và nhiều chương trình đậm tính nhân văn khác… Khó khăn là tạm thời, CNLĐ hãy hiểu để chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ, cùng địa phương và DN để vượt qua khó khăn. Mỗi CNLĐ hãy ý thức chấp hành tốt chủ trương, chính sách và pháp luật, không nghe theo sự xúi dục, kích động của kẻ xấu là đã có sự đóng góp cho đất nước, cho DN và cụ thể nhất là cho chính mình.
T.ĐỒNG