Du lịch Bình Dương: Nhiều giải pháp thu hút du khách

Cập nhật: 21-03-2012 | 00:00:00

Sở hữu nhiều di tích và danh thắng (DTDT) nổi tiếng, với nhiều giải pháp thiết thực những năm gần đây Bình Dương là một trong những địa phương thu hút nhiều khách du lịch (DL) khắp nơi đến tham quan và nghỉ dưỡng. Kéo theo đó là số lượng các đơn vị, tập thể, cá nhân vào đầu tư xây dựng các khu DL, điểm DL... ngày càng tăng lên. Du khách viếng thăm chùa núi Châu Thới một trong những danh thắng của Bình Dương

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 227 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động theo loại hình tổ chức doanh nghiệp; 169 cơ sở lưu trú hoạt động theo loại hình hộ kinh doanh cá thể; 18 đơn vị lữ hành quốc tế, nội địa. Ước tổng lượt khách du lịch năm 2011 là 3.800.000 lượt, đạt 100% kế hoạch năm. Doanh thu ngành du lịch đạt 491,744 tỷ đồng, đạt 91,6%, tăng 18% so với cùng kỳ 2010... Đến nay toàn tỉnh đã có 38 di tích và danh thắng đã được xếp hạng, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia và 27 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có gần 500 di tích phổ thông chưa được xếp hạng. Đa số là các loại đình, chùa, miếu, tịnh xá, tịnh thất, hơn 50 ngôi nhà cổ cùng nhiều mộ cổ và danh lam thắng cảnh.

Đầu tư trùng tu, tôn tạo các DTDT

Từ lâu, các DTDT của Bình Dương đã nổi tiếng khắp nơi trong và ngoài tỉnh góp phần rất lớn trong việc thu hút du khách đến tham quan, nâng doanh thu của ngành DL ngày càng tăng lên. Để phát huy giá trị các DTDT, thời gian gần đây việc xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích (DT) được đẩy mạnh và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan trong việc trùng tu, sửa chữa các DT tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, miếu... và công tác tu bổ, tôn tạo, làm đường đến DT, tạo cảnh quan xanh, đẹp góp phần phát huy giá trị của DT.

Theo Ban Quản lý DTDT tỉnh, thực hiện đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương đến năm 2020” tổng kinh phí đã thực hiện tôn tạo các DT cấp quốc gia và DT cấp tỉnh giai đoạn 2006-2010 là  39,02 tỷ đồng, trong đó kinh phí trùng tu, tôn tạo DT 38,50 tỷ đồng, kinh phí phát huy giá trị DT 471,30 triệu đồng và kinh phí đào tạo cán bộ cơ sở, trang bị kỹ thuật gần 50 triệu đồng. Nhiều DT đã được đầu tư kinh phí lớn để tôn tạo trong các năm qua như DT lịch sử Địa đạo Tây Nam Bến Cát, chùa Hội Khánh (TX.TDM), núi Châu Thới (TX.Dĩ An), chùa Hưng Long (huyện Tân Uyên), DT Vườn cao su thời Pháp thuộc (xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng)... Đặc biệt ngày 22-11- 2011, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3623/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình trùng tu, tôn tạo DT nhà tù Phú Lợi với tổng mức đầu tư cho dự án lên đến gần 47 tỷ đồng từ ngân sách của Trung ương và ngân sách của tỉnh, thời gian thực hiện dự án là từ năm 2011- 2013...

Riêng trong giai đoạn từ năm 2012-2015, dự kiến tổng kinh phí để đầu tư cho việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo các DT của tỉnh là 803,55 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho các DT cấp quốc gia 503,05 tỷ đồng và kinh phí dành cho các DT cấp tỉnh 290,50 tỷ đồng. Quá trình trùng tu, tu bổ, tôn tạo sẽ được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ năm 2012-2013) sẽ có 30% DT cấp quốc gia và 15% DT cấp tỉnh được đầu tư trùng tu, tôn tạo; giai đoạn 2 (năm 2014) có 30% DT cấp quốc gia và 15% DT cấp tỉnh được trùng tu, tu bổ, tôn tạo và giai đoạn 3 (năm 2015) sẽ có 40% DT cấp quốc gia và 20% DT cấp tỉnh được trùng tu, tôn tạo.

Tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá...

Để tăng cường các biện pháp nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng DL tỉnh nhà trong năm 2011 ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã tổ chức đoàn Famtrip tiến hành khảo sát, giới thiệu về các điểm đến của DL Bình Dương, có 24 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh tham gia. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp lữ hành ngoài tỉnh nghiên cứu tour đưa khách đến Bình Dương tham quan DL.

Ngoài ra ngành cũng phối hợp với Công ty TNHH truyền thông Điền Quân triển khai công tác tuyên truyền, quảng bá DL trên Đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu hình ảnh DL Bình Dương đến với du khách trong nước và quốc tế; thu thập thông tin về vườn cây ăn trái Lái Thiêu và Khu DL Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến để đề cử vào danh mục thành viên S100 thuộc chương trình kỷ lục 100 món ăn nổi tiếng và 100 điểm đến hấp dẫn nhất của Việt Nam. Vận động các khu, điểm DL trên địa bàn tỉnh tham gia “Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh năm 2011”, “Liên hoan ẩm thực Phương Nam” do cơ quan đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại TP.HCM, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM phối hợp tổ chức; vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia bầu chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới...

Có thể nói những năm gần đây, hoạt động kinh doanh DL của tỉnh có mức tăng trưởng khá là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các cơ sở, doanh nghiệp DL trong việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu... nhằm phục vụ tốt nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí và thu hút du khách.

Làm gì để nâng tầm du lịch, tiếp tục thu hút du khách?

Ngày 15-8-2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 2303/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển DL tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, việc phát triển DL tỉnh từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng DL; đặc biệt chú trọng đến những lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các lợi thế so sánh khác. Hướng đến mục tiêu xây dựng DL trở thành ngành có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; đồng thời là một công cụ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, hưởng thụ tinh thần của nhân dân địa phương. Phấn đấu đến năm 2015 tỉnh sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó có 43.000 lượt khách quốc tế. Năm 2020 đón 6,8 triệu lượt khách, trong đó có 63.000 lượt khách quốc tế. Năm 2025 dự báo thu hút khoảng 9 triệu lượt khách, trong đó có 80.000 lượt khách quốc tế. Năm 2030 dự báo thu hút khoảng 12 triệu lượt khách, trong đó có 110.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đến năm 2015 đạt khoảng 2.200 tỷ đồng, năm 2020 đạt khoảng 4.450 tỷ đồng.  Hơn nửa triệu du khách đến với lễ hội chùa Bà Thiên Hậu TX.TDM trong tháng 2-2012

Quy hoạch đã định hướng phát triển DL không gian phía Nam (bao gồm khu vực TX.TDM, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và một phần của huyện Bến Cát với sản phẩm DL chính gồm DL sinh thái (DL miệt vườn, DL sông nước), DL văn hóa (tham quan di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, DL tâm linh, tín ngưỡng), vui chơi giải trí, DL cuối tuần, DL nghỉ dưỡng, DL mua sắm, DL MICE, DL thể thao cao cấp).  Không gian phía Tây Bắc (bao gồm khu vực hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, hành lang sông Sài Gòn và khu vực phụ cận thuộc huyện Dầu Tiếng và huyện Bến Cát), sản phẩm DL chính gồm DL nghỉ dưỡng, DL văn hóa, DL sinh thái, DL thể thao cao cấp; các khu vực ưu tiên đầu tư: Khu vực hồ Dầu Tiếng, khu vực ven sông Sài Gòn, khu vực hồ Cần Nôm. Không gian phía Đông (bao gồm khu vực dọc theo lưu vực sông Đồng Nai và sông Bé thuộc các huyện Tân Uyên, Phú Giáo), sản phẩm DL chính gồm: DL sinh thái với các loại hình DL sinh thái sông nước, DL nghỉ dưỡng, DL nghỉ cuối tuần, DL thể thao cao cấp. Ngoài ra còn phát triển các tuyến DL trong và ngoài tỉnh như tuyến DL theo quốc lộ 13; tuyến DL theo đường ĐT741 - 742; tuyến DL theo đường Hồ Chí Minh; tuyến DL theo đường ĐT744; tuyến DL theo đường ĐT746 - 747 và các tuyến DL đường sông trên các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé...

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành DL tỉnh đến năm 2020 khoảng 11.700 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 5.400 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 6.300 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vốn cho các dự án ưu tiên đến năm 2020 là 8.300 tỷ đồng. Tổng nhu cầu quỹ đất dành cho các dự án ưu tiên đến năm 2020 là 1.400 ha. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư gồm nguồn vốn ngân sách Nhà nước 15 - 20%, các nguồn vốn khác 80 - 85%... Để thực hiện được quy hoạch này các giải pháp được ưu tiên là nâng cao năng lực quản lý Nhà nước; tăng cường phối kết hợp giữa ngành DL với các ngành khác và với chính quyền các cấp; thực hiện các giải pháp về cơ chế, chính sách, về các nguồn vốn đầu tư,  xúc tiến quảng bá, bảo vệ, tôn tạo tài nguyên môi trường DL, hợp tác trong nước và quốc tế, xây dựng các sản phẩm đặc thù và giải pháp về nguồn nhân lực

BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên