Đừng đổ oan cho... thịt heo!

Cập nhật: 21-03-2019 | 08:36:22

Những ngày qua, kể từ khi dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, lan ra tại một số tỉnh, thành đã tác động nhất định đến tâm lý người dân về sử dụng thịt heo trong bữa ăn hàng ngày. Sự việc càng trở nên trầm trọng hơn khi những thông tin về nhiều trường hợp học sinh ở tỉnh Bắc Ninh nhiễm ấu trùng sán heo, đi cùng với đó là những thông tin sai lệch trên mạng xã hội, đã khiến không ít người dân lo lắng khi sử dụng thịt heo. Trên thực tế, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, thịt heo là loại thực phẩm có nhiều dưỡng chất phục vụ rất tốt cho sức khỏe con người và nếu sử dụng thịt heo rõ nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì mọi người dân đều có thể hoàn toàn yên tâm.

 1. Trước hết, theo thông tin từ cơ quan chức năng khẳng định, vi rút gây dịch tả heo châu Phi không lây sang người. Cụ thể là phát biểu với báo chí, vị Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẳng định: Dịch tả heo châu Phi không lây sang người mà chỉ lây lan trong đàn heo. Điều tương tự cũng đã được ngành y tế khẳng định. Còn đối với trường hợp nhiễm ấu trùng sán heo, sán heo, đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết chưa có cơ sở để khẳng định toàn bộ học sinh ở Bắc Ninh nhiễm sán do ăn ở trường. Và, nếu thịt heo có sán, ấu trùng sán nhưng đã được nấu chín thì nguy cơ lây bệnh cũng không còn. Hơn thế nữa, việc điều trị nhiễm ấu trùng sán heo, sán heo đều đã có phác đồ, không tốn kém.

2. Đối với trường hợp nhiễm ấu trùng sán heo, sán heo, cũng theo Bộ Y tế, nguồn lây nhiễm, ngoài thực phẩm ăn uống trực tiếp như thịt, cá, rau sống, con người cũng có thể nhiễm sán qua môi trường nước, không rửa tay sau khi đi vệ sinh... Và cách phòng, chống hiệu quả nhất là phải vệ sinh môi trường sinh hoạt, ăn chín, uống sôi, rửa sạch, vệ sinh trước khi ăn uống. Đối với thịt heo, khi đã được nấu chín (nước sôi 100 độ C) sẽ phòng được bệnh sán heo trong ruột non... Như vậy, phải khẳng định rằng, không chỉ thực phẩm, trong đó có thịt heo, ăn ở trường hay ăn ở các nơi khác mà còn nhiều nguồn có thể lây nhiễm sán, nếu sử dụng và ăn uống không bảo đảm vệ sinh, đều có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm ấu trùng sán heo và sán heo.

3. Vậy nên, đừng đổ oan cho thịt heo vì cũng giống nhưng câu chuyện trước đây (năm 2008) đối với mắm tôm khi có dịch tả, rồi sau đó chúng ta đã phải “minh oan” cho nó! Chúng ta phòng chống dịch tả heo châu Phi là để bảo vệ đàn heo hiện có nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm từ heo vốn có nhiều dưỡng chất cho bữa ăn hàng ngày của người dân và bảo vệ người chăn nuôi trước những hậu quả của dịch gây ra. Và chúng ta phòng, chống nhiễm ấu trùng sán heo, sán heo phải bắt đầu từ việc siết chặt lại công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm minh các vi phạm về an toàn thực phẩm và những thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến xã hội, chứ không phải là quay lưng với thịt heo!

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=318
Quay lên trên