Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để phòng ngừa bệnh gút

Cập nhật: 22-05-2014 | 00:00:00

Bệnh gút được xem là một trong những căn bệnh của thời kỳ phát triển. Theo các bác sĩ (BS), xã hội phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao thì bệnh gút cũng có xu hướng tăng cao. Vì thế, để phòng ngừa bệnh gút cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và vận động hợp lý…

 

Người bị bệnh gút phải tuân thủ điều trị theo chỉ định của BS để điều trị dứt điểm các cơn đau bệnh gút. Trong ảnh: Các BS Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh đang khám bệnh cho người dân Ảnh: H.THUẬN

Nguyên nhân, triệu chứng

Cùng với sự phát triển của xã hội, điều kiện kinh tế của người dân tăng lên, việc ăn uống do đó cũng khó kiểm soát hơn. Trong thực đơn hàng ngày, những món ăn giàu chất đạm và bia rượu hiện diện nhiều hơn, thêm vào đó là môi trường ô nhiễm nên bệnh gút cũng theo đó mà gia tăng. BS Trần Văn Thu, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh cho biết, bệnh gút là một bệnh rối loạn chuyển hóa các chất purin trong cơ thể, trong đó đặc trưng của bệnh là tăng acid uric máu, gây lắng đọng các tinh thể urat ở các mô. Nguyên nhân dẫn đến bệnh gút là do sự tích tụ quá nhiều acid uric trong cơ thể gây ra. Acid uric được sinh ra từ sự phân hủy của các chất purin. Chất này có mặt ở tất cả các mô trong cơ thể. Chất purin cũng có nhiều trong thực phẩm, như: gan, các loại đậu, cá cơm. Thông thường acid uric hòa tan trong máu, bài tiết qua thận và ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu. Tuy nhiên, acid uric có thể tích tụ lại trong máu khi gia tăng lượng acid uric do cơ thể tạo ra, hoặc do thận không bài tiết hết acid uric (do bị các bệnh lý về thận), cũng có thể do ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin. “Khi nồng độ acid uric trong máu cao được gọi là tăng acid uric máu. Hầu hết những người tăng acid uric máu không gây nên bệnh gút, nhưng nếu có quá nhiều tinh thể urat hình thành trong cơ thể thì có thể gây nên bệnh gút”, BS Thu nhận định.

Những yếu tố nguy cơ của bệnh gút, gồm: do khiếm khuyết gen (làm cơ thể khó phân hủy purin), tiền sử gia đình có người mắc bệnh gút, thừa cân, uống quá nhiều bia rượu, ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin. Ngoài ra, việc sử dụng một số thuốc như appirin, thuốc lợi tiểu… cũng có thể là một trong những nguy cơ gây nên bệnh gút. Trong các yếu tố nguy cơ trên, việc sử dụng quá nhiều bia rượu là yếu tố thường gặp trong xã hội hiện nay, đặc biệt là đối với nam giới. Điều đó cũng giải thích vì sao, tỷ lệ bệnh gút ở nam giới thường cao hơn nữ giới. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có tới 75 - 84% bệnh nhân gút uống bia rượu thường xuyên, trung bình từ 7 - 10 năm.

Biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh gút là sưng tấy, nóng, đỏ, đau dữ dội tại một hoặc nhiều khớp. Cơn đau do bệnh gút có thể xảy ra do căng thẳng, rượu bia, ma túy hoặc bệnh khác. Các cơn đau ban đầu thường giảm sau 3 - 10 ngày, ngay cả khi không được điều trị. Các cơn đau tiếp theo có thể xuất hiện trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Theo BS Thu, đa phần bệnh nhân điều trị dứt được cơn đau đều tự cho rằng đã khỏi bệnh mà không biết rằng bệnh vẫn đang âm thầm tiến triển. Vì thế, nếu không được điều trị tiếp tục và triệt để, các cơn đau sẽ xuất hiện trở lại và ngày càng nhiều hơn.

Biến chứng và cách phòng bệnh

Bệnh gút có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu người bệnh tuân thủ điều trị theo chỉ định của BS thì khoảng 10 - 20 năm sau bệnh có thể tiến triển thành gút mạn tính. Ở giai đoạn này, trên cơ thể người bệnh có thể xuất hiện những u, cục gọi là hạt tô-phi, thường gặp xung quanh các khớp bị tổn thương. Sự xuất hiện của các hạt tô-phi có ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, có nguy cơ gây biến dạng khớp và có thể dẫn đến tàn phế. Ở giai đoạn mạn tính, bệnh gút còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, như: làm hẹp khe khớp, tiêu xương, sỏi thận, suy thận mạn tính. Từ đây nó có thể làm cho người bệnh bị tàn phế suốt đời, thậm chí là tử vong.

Để phòng ngừa bệnh gút, BS Thu khuyên rằng, mọi người nên thực hành chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Đối với những người thừa cân, béo phì cần giảm năng lượng bằng cách giảm ăn các thức ăn chứa nhiều mỡ và ăn ít chất đạm. Đặc biệt, những người trong nhóm có nguy cơ cao cần hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều purin, như: phủ tạng động vật, các loại thịt màu đỏ và hải sản. Nên kiêng bia rượu, uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, nước khoáng có kiềm để tăng cường sự bài tiết acid uric qua nước tiểu. Trong chế độ ăn, cũng cần quan tâm bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả, như: cà rốt, bắp cải, dưa leo, cà chua, xà lách… Song song đó, cần có một chế độ sinh hoạt điều độ, tích cực tham gia hoạt động thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe, thể trạng. Những môn thể dục phù hợp như đi bộ, đạp xe, cầu lông… rất tốt để cải thiện sức khỏe, phòng ngừa bệnh gút.

 

 HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=625
Quay lên trên