Chiều nào cũng vậy, sau khi cơm nước xong xuôi, giao đứa cháu ngoại lại cho đôi vợ chồng trẻ trông giữ, bà Tư khẽ mở cổng ra ngoài đi dạo.
Hoàn toàn khác xa với lối sống thân thiện, gần gũi ở quê nhà, bà đi từ cuối hẻm ra tới đầu hẻm mà chẳng thấy ai để chào, mọi người đều đóng cửa quây quần sinh hoạt trong nhà mình, không ăn cơm thì xem ti vi. Nhà nào cũng như nhà nấy, chẳng ai quan tâm đến chuyện nhà hàng xóm làm gì.
Buồn quá, bà Tư đành đi thêm một đỗi ra ghế đá công viên ngồi nhìn người qua lại. Tại công viên, bà Tư nhận ra những bà hàng xóm trong khu phố của mình cũng đang ngồi ghế đá hóng gió. Vốn tính hòa đồng, bà Tư lên tiếng chào hỏi, bắt chuyện làm quen rồi hẹn nhau chiều chiều ra công viên trò chuyện cho khuây khỏa.
Một ngày kia, bà Tư không may bị té ngã, chân đau không đi xa được. Chiều về, thấy mẹ buồn vì thiếu bạn già tâm sự, anh con rể của bà Tư bèn khiêng chiếc ghế đá trong sân ra đặt sát tường trước nhà cho mẹ ngồi trò chuyện với những người hàng xóm.
2 tháng sau, khi đứa cháu ngoại đã cứng cáp, bà Tư về quê lo việc đồng áng. Chiếc ghế đá bà Tư hay ngồi, theo lời dặn của bà, anh con rể vẫn để nguyên vị trí như cũ.
Mỗi chiều, dù vắng bóng bà Tư, nhiều người già trong hẻm vẫn ra đó ngồi nghỉ chân, hỏi han sức khỏe, kể cho nhau nghe những câu chuyện thường ngày trong hẻm. Chia sẻ với nhau những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, chỉ cho nhau những kinh nghiệm dạy con ngoan, biết vâng lời.
Kể từ khi có chiếc ghế đá, người trong hẻm bắt đầu hiểu nhau hơn và quan tâm đến nhau nhiều hơn.
MINH HOÀNG