Gia Lai sẽ được hỗ trợ tối đa để ứng phó phòng, chống dịch COVID-19

Cập nhật: 04-02-2021 | 06:29:11

 

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ hỗ trợ cho Gia Lai trong công tác lấy mẫu bệnh phẩm. (Ảnh: Quang Thái /TTXVN)

Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19 tại tỉnh Gia Lai, ngày 3/2, đoàn công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyến làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Gia Lai. Cùng đi, có nhiều chuyên gia y tế dự phòng, xét nghiệm, quản lý môi trường y tế, khám chữa bệnh, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, truyền thông... 

Tốc độ lây lan nhanh của chủng virus mới

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng,chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai, đến 19 giờ ngày 3/2, tỉnh này đã ghi nhận 14 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 5 địa phương gồm huyện Ia Pa, huyện Krông Pa, huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và thành phố Pleiku.

Các trường hợp này đang cách ly điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa (8 ca); Krông Pa (3 ca), Phú Thiện (1 ca) và 2 ca tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Các ca bệnh đều chưa có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, sức khỏe ổn định, chưa ghi nhận triệu chứng bất thường.

Báo cáo với đoàn công tác, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Gia Lai ghi nhận ca dương tính với SARS-SoV-2 đầu tiên vào ngày 29/1 tại phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa (nơi bệnh nhân cư trú) và xã Ia Trok, huyện Ia Pa bắt nguồn từ bệnh nhân số 1612 tại Hải Dương. Lập tức, tỉnh đã tiến hành khoanh vùng 2 ổ dịch, tiến hành truy vết nhanh đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung.

Cùng thời điểm này, SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan sang các địa phương khác như Krông Pa, Phú Thiện cùng liên quan dịch tễ đến hai ổ dịch trên. Đến 23 giờ ngày 31/1, tỉnh Gia Lai tiếp tục ghi nhận 1 ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Đặc biệt, trong ngày 3/2, ca dương tính với SARS-CoV-2 với lịch trình di chuyển phức tạp được phát hiện tại thành phố Pleiku, nâng tổng số ca mắc tại tỉnh Gia Lai lên 14 trường hợp chỉ trong 5 ngày.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyến lưu ý: Bệnh viện dã chiến chỉ dùng chữa trị các ca mắc COVID-19, tuyệt đối không được để các bệnh khác vào khám, điều trị. (Ảnh: Quang Thái /TTXVN)

Để khống chế dịch lây lan, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã huy động tối đa nhân, vật lực, cùng với sự chi viện của các đơn vị khác nỗ lực điều tra dịch tễ, truy vết hơn 5.500 trường hợp; trong đó, 1.197 trường hợp F1 và gần 4.300 trường hợp F2; tiến hành cách ly hơn 1.321 công dân tại 14 điểm cách ly tập trung của tỉnh Gia Lai.

Diễn biến nhanh và phức tạp của SARS-CoV-2, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị và chuyên gia để thiết lập 1 bệnh viện dã chiến với công suất 200 giường để điều trị bệnh nhân; hỗ trợ thêm vật tư tiêu hao, hóa chất khử khuẩn, trang phục phòng hộ chống dịch, máy xét nghiệm Real-Time-PCR và bộ kit xét nghiệm cho tỉnh để tăng cường năng lực phòng, chống dịch; hỗ trợ các thiết bị cần thiết cho công tác khám, điều trị; công tác đào tạo, tập huấn trong phòng, chống dịch.

Hỗ trợ tối đa cho Gia Lai phòng, chống dịch

Các thành viên trong đoàn công tác đều khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa cho tỉnh Gia Lai dập dịch. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong ngày 4/2, Viện sẽ điều 1 máy xét nghiệm tự động kèm theo sinh phẩm từ Viện Pasteur Nha Trang với công suất khoảng 1.500 mẫu/ngày; sau đó tiếp tục điều 1 máy của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo công suất xét nghiệm tối đa 3.000 mẫu/ngày cho Gia Lai trong giai đoạn cao điểm.

Công tác truy vết các trường hợp F1, F2… cũng đang được Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tiến hành có hiệu quả. Dù gặp không ít khó khăn bởi hầu hết các ca bệnh tại Gia Lai không có biểu hiện lâm sàng nhưng với sự nỗ lực cao của các cán bộ y tế, công tác truy vết đang được triển khai rất có hiệu quả dù lúc đầu còn lúng túng.

Đến ngày 3/2, tỉnh Gia Lai đã truy vết hơn 1.200 trường hợp F1, đã xét nghiệm mẫu cơ bản hết. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã lấy 536 mẫu F1, F2 và đã có 258 mẫu âm tính, 1 ca nghi ngờ đang chờ kiểm định lại. Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên sẽ bám trụ, hỗ trợ Gia Lai cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ-ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên khẳng định.

Thời gian tới, dự báo tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch COVID-19 đã có virus biến chủng, có tốc độ lây lan rất nhanh, vì thế Gia Lai phải chủ động thành lập bệnh viện dã chiến.

Tỉnh Gia Lai dự kiến lấy Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa, Trung tâm điều trị chất lượng cao của Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai để làm bệnh viện dã chiến khi dịch bùng phát.

Thành lập 2 bệnh viện dã chiến tại Gia Lai

Về vấn đề thành lập bệnh viện dã chiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, khi thành lập bệnh viện dã chiến chỉ dùng chữa trị các ca mắc COVID-19, tuyệt đối không được để các bệnh khác vào khám, điều trị.

Do đó, nếu lấy Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa làm bệnh viện dã chiến, phải tính toán đến việc phân luồng, hướng dẫn bệnh nhân đến cơ sở khám, chữa bệnh khác. Trung tâm điều trị chất lượng cao tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai mới xây dựng, chưa sử dụng, đã có cơ sở vật chất ban đầu đã đảm bảo, tuy nhiên, khi làm bệnh viện dã chiến cần trang bị thêm cơ sở vật chất. 

Đối với  việc xây dựng bệnh viện dã chiến, Thứ trưởng giao Cục Khám chữa bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Sở Y tế Gia Lai hướng dẫn công tác phòng, chống dịch ở tuyến huyện có ca bệnh; tiến hành khảo sát thực tế cơ sở để lập bệnh viện dã chiến, đồng thời khảo sát toàn bộ cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai (kể cả quân y, tư nhân) để đưa lực lượng, cơ sở vật chất vào bệnh viện dã chiến.

Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên khẳng định sẽ bám trụ, hỗ trợ Gia Lai cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch tại địa phương này. (Ảnh: Quang Thái /TTXVN)

Sau đó, xây dựng ngay phương án bệnh viện dã chiến, phân công nhiệm vụ cụ thể; xây dựng lực lượng khoa, phòng gồm các bộ phận tiếp nhận, chữa trị, hậu cần; phân công nhiệm vụ cụ thể tại các khoa, phòng này. Đối với trang thiết bị, vật tư tại bệnh viện dã chiến, cần tính toán để có phương án huy động, mua sắm hoặc đề nghị hỗ trợ. Cuối cùng, cần xây dựng quy trình tiếp nhận, điều trị bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến.

Thứ trưởng cũng lưu ý tỉnh Gia Lai cần phải tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống dịch trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số. “Tỉnh Gia Lai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên cần quan tâm tuyên truyền phòng, chống dịch đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm tốt công tác truyền thông; thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện mục tiêu kép. Ngoài phòng, chống dịch  COVID-19, cần chú trọng công tác phòng, chống các dịch bệnh khác.

Về lâu dài, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Gia Lai xây dựng kịch bản cách ly số đông trên 1.000 người và điều trị cho trên 100 ca; xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang nơi công cộng. Tỉnh Gia Lai cũng cần quan tâm hỗ trợ đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch và những người đang cách ly để mọi người đón Tết vui vẻ, an toàn./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=537
Quay lên trên