Gia tăng bệnh sốt xuất huyết ở người lớn

Cập nhật: 30-09-2015 | 10:33:44

Trong đợt tập huấn về công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue (SXHD) và rút kinh nghiệm tử vong do SXHD mới đây do Cục Quản lý khám chữa bệnh (KCB) tổ chức, số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ người lớn mắc bệnh SXH hiện nay là 47%, tăng nhiều so với trước đây…

 Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (phải) trao đổi về kinh nghiệm trong chẩn đoán, xử lý SXHD. Ảnh: Q.NHƯ

 Thống kê về số trường hợp mắc bệnh SXH thông thường, tỷ lệ bệnh nhân (BN) là người lớn chiếm 47%, trẻ em 53%. Những năm trước, tỷ lệ BN là người lớn mắc bệnh SXH chỉ dưới 10%. Cũng từ số liệu báo cáo cho thấy ở miền Bắc, bệnh SXH gia tăng vào mùa mưa thì ở miền Nam, bệnh xảy ra quanh năm. Từ tháng 1 đến tháng 12 luôn có BN SXH, trong đó có nhiều ca mắc SXHD nặng phải điều trị tích cực. Công tác KCB ở các cơ sở y tế cũng khó khăn hơn khi số BN gia tăng.

Tình trạng SXH năm nay rất phức tạp. Số ca mắc tích lũy tính từ đầu năm 2015 đến ngày 14-9 trên cả nước có 36.097 trường hợp mắc bệnh tại 52 tỉnh, thành phố, trong đó có 23 ca tử vong. Số BN mắc bệnh SXH tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình Dương là 1 trong 4 địa phương có ca mắc bệnh SXH tăng và đến nay đã có 6 trường hợp tử vong. Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong tháng 8-2015, số BN mắc bệnh SXH tăng cao, có 365 BN phải nhập viện; trong đó gần 50% số BN là người lớn, được chăm sóc tại khoa Nhiễm của bệnh viện.

Về các trường hợp BN người lớn mắc bệnh SXH và đã có trường hợp tử vong do SXHD, các bác sĩ trực tiếp điều trị cho rằng, hầu hết BN trở bệnh nặng, không cứu được là do chủ quan của chính người bệnh, người thân của BN. Bệnh nặng còn do phát hiện trễ, các bệnh có thể nhầm lẫn với SXH giai đoạn sốt có thể kể đến như sốt phát ban, bệnh tay chân miệng, sốc nhiễm khuẩn, sốc tim, viêm cơ tim… Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng I, TP.HCM, cho biết về một số kinh nghiệm trong chẩn đoán, xử trí BN SXHD tại tuyến cơ cở chưa kịp thời. Điều trị, chăm sóc sốc kéo dài, tổn thương đa cơ quan trong SXHD khiến bệnh trở nặng hơn. Năm nay, đã có BN tử vong do SXHD ở người lớn tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Các chuyên gia cũng đã đề cập đến tình hình điều trị SXHD người lớn, phân tích, rút kinh nghiệm KCB trong thời gian tới.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, việc xét nghiệm máu cho BN bị bệnh SXH rất quan trọng. Bác sĩ trực phải biết tránh những cái “bẫy” trong chẩn đoán và xử trí bệnh SXHD. Phải luôn luôn nghĩ tới SXHD khi BN có sốt và cho uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm. Nhiều BN mắc bệnh SXHD có dấu hiệu cảnh báo trong đêm nhưng đợi đến sáng hôm sau mới nhập viện thì BN bị sốc hoặc sốc nặng.

Có trường hợp xét nghiệm máu vào ngày thứ sáu trong tuần chưa thấy mắc bệnh SXH nhưng sau đó, ngày thứ bảy và chủ nhật không được xét nghiệm tiếp và đợi đến sáng thứ hai xét nghiệm thấy đã mắc bệnh SXHD cũng rất dễ trở nặng, khó cho công tác điều trị. Thế nên, bác sĩ cần giải thích, dặn dò BN nếu có dấu hiệu cảnh báo về SXHD phải nhập viện ngay, bất kể giờ nào, kể cả trong đêm để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.

Người lớn mắc bệnh SXHD thường do chủ quan. Nhiều người có thói quen không ngủ mùng nên sẽ dễ bị mắc bệnh nếu bị muỗi vằn mang mầm bệnh chích phải hoặc trong vùng có dịch bệnh nhưng không chú ý phòng bệnh. Khi BN có dấu hiệu như nôn nhiều, đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiêu ra máu... cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2835
Quay lên trên