Giật mình với “kỹ thuật” nuôi heo!

Cập nhật: 03-08-2015 | 08:11:08

Gần đây, thông tin về thực phẩm bẩn hầu như xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mới đây, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, đã lấy 48 mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên trên đàn heo của 4 huyện trên địa bàn tỉnh này và phát hiện có 14 trường hợp dương tính với chất cấm Salmubutamol. Salmubutamol là chất tạo nạc cấm dùng trong chăn nuôi theo quyết định của Tổ chức Y tế và Tổ chức Nông lương thế giới. Chất này sẽ gây ảnh hưởng xấu lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch của người sử dụng.

Đồng Nai được xem như là “vương quốc” heo của cả nước, với gần 2.500 trang trại heo có tổng đàn trên 1,5 triệu con. Đây cũng là tỉnh cung cấp thịt heo cho nhiều địa phương. Tất cả các mẫu được xét nghiệm ngẫu nhiên vừa được Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai lấy từ các đàn heo của các trang trại lớn với quy mô hàng trăm con. Vì vậy thông tin trên đã làm dư luận và người tiêu dùng hết sức lo lắng.

Lâu nay khi phát hiện vi phạm, chủ trang trại chăn nuôi chỉ bị áp dụng chế tài phạt tiền. Sau đó, heo lại được nuôi tiếp để thải hết chất cấm ra rồi cho giết mổ, tiêu thụ. Đây là hình thức xử lý không đủ để răn đe. Ở nước ta, chất Salmubutamol đã bị cấm sử dụng từ năm 2002. Tuy nhiên, đến nay rất nhiều trang trại chăn nuôi heo với số lượng lớn vẫn lén lút sử dụng trong quá trình trộn thức ăn. Vì vậy nhiều người đề nghị, nếu trang trại bị phát hiện sử dụng chất cấm thì phải hủy luôn đàn heo. Đặc biệt mới đây, góp ý sửa đổi Bộ luật Hình sự, Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã nêu quan điểm cần hình sự hóa việc sử dụng chất cấm trong nông nghiệp, không thể đợi đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì mới bị xử lý hình sự. Vì việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi rất nguy hiểm cho người tiêu dùng, là hành vi đầu độc miếng ăn cho người dân.

Nêu thực trạng trên, người viết không có ý đánh đồng, “vơ đũa cả nắm” gây hoang mang cho người tiêu dùng. Điều mong muốn là làm sao đánh thức lương tâm của chủ trang trại, người chăn nuôi hãy vì sức khỏe, tính mạng của con người, của người tiêu dùng. Và ngành chức năng cần tăng cường lực lượng làm công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm, đó cũng là nhiệm vụ và trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=816
Quay lên trên