Sau những ngày đón tết đoàn viên, sum họp là lúc nhiều người lại hân hoan tham gia các lễ hội đầu xuân. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm nước ta có gần 9.000 lễ hội lớn nhỏ. Số lượng nhiều hay ít không quá quan trọng, điều đáng bàn ở đây là cách thức tổ chức và tham gia lễ hội thế nào để những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, hội tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử được phát huy và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong một xã hội văn minh, hiện đại; thật sự trở thành cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút du khách quốc tế.
Việc số lượng khách du xuân tăng đột biến vào đầu năm đã tạo sức ép không hề nhỏ lên Ban tổ chức lễ hội tại nhiều khu di tích, làm bộc lộ năng lực tổ chức, quản lý còn nhiều khiếm khuyết. Nạn “chặt chém”, cò mồi, đeo bám du khách vẫn khá phổ biến; chất lượng dịch vụ kém, công tác quản lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hoạt động mê tín, dị đoan bị bỏ qua tại nhiều lễ hội... là những việc dư luận năm nào cũng lên tiếng, nhưng xem ra chưa có chuyển biến rõ nét. Với không ít du khách, đi lễ hội không phải là để trong lòng mở hội, tìm lại niềm vui, sự bình an, thư giãn sau một năm làm việc vất vả mà họ coi việc lễ bái, cầu xin lợi, lộc… là mục đích chính. Từ việc bày biện lễ vật tốn kém, tổ chức hầu đồng, đến giắt tiền lẻ vào tay tượng phật, ném gạo, muối lên những chốn tôn nghiêm của di tích, không chỉ gây nên hình ảnh phản cảm mà còn là nguyên cớ đẻ ra vô số các dịch vụ bị dư luận lên án.
Có thể nói, sự đa dạng của lễ hội với vẻ đẹp mang tâm hồn và cốt cách người Việt, đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Hiểu được giá trị và ý nghĩa sâu sắc của lễ hội, những năm gần đây việc tổ chức và quản lý các lễ hội đã được chính quyền nhiều địa phương quan tâm, góp phần thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vui chơi giải trí của người dân. Vì vậy, các địa phương và Ban tổ chức các lễ hội cần quán triệt thực hiện nội dung Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư Trung ương ngày 5-2-2015 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và Công điện của Thủ tướng Chính phủ trước Tết Ất Mùi yêu cầu tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội; nhằm phát huy những mặt tích cực, chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, biến tướng, xô bồ, bát nháo để giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có của lễ hội.
NHẬT HUY