Bình Dương đã trở thành một điểm sáng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội dựa trên quy hoạch bài bản. Bình Dương đang có nhiều cơ hội để mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, phát huy có hiệu quả trong việc triển khai Đề án thành phố thông minh (TPTM) trong tương lai. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ - Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thành, giảng viên trường Đại học Văn Lang (TP.Hồ Chí Minh), về thế mạnh và thách thức trong việc quy hoạch đô thị Bình Dương trong tương lai, làm tiền đề, cơ sở để Bình Dương hiện thực hóa các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, phát huy có hiệu quả trong việc triển khai đề án TPTM.
- Là người từng tham gia giảng dạy tại Bình Dương, tiến sĩ đánh giá như thế nào về hạ tầng đô thị của Bình Dương?
- Thế mạnh của Bình Dương là phát triển kinh tế nhanh và thành công, với nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bình Dương phát triển tốt hệ thống giao thông trong hơn 20 năm qua gắn kết với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài thành công và hình thành các khu công nghiệp được quy hoạch tập trung. Thành công này đã đưa Bình Dương trở thành tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất của cả nước, tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đã có nhiều thành công trên lĩnh vực đô thị và hạ tầng, như việc hình thành các khu nhà ở xã hội do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư phát triển. Bình Dương cũng là tỉnh đi tiên phong trong việc xây dựng tốt hệ thống giao thông huyết mạch làm động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh chỉ trong thời gian ngắn.
Bình Dương cũng được biết tới là một trong số ít các tỉnh, thành của Việt Nam tiên phong trên lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Tháng 11-2016, Đề án TPTM Bình Dương được phê duyệt. Đây là chương trình chiến lược đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2021, tầm nhìn 2030, hướng tới một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, đặt ra những nền tảng cơ bản đầu tiên cho một nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh, tạo tiền đề tiến lên nền kinh tế tri thức. Sự hợp tác trong lĩnh vực đô thị thông minh của Bình Dương là đa dạng, với sự tham gia của các quốc gia phát triển trên thế giới như Hà Lan, Hàn Quốc…
Không gian xanh của Bình Dương dọc trục sông Sài Gòn. Ảnh: TIỂU MY
- Với tư cách nhà nghiên cứu, theo ông, về quy hoạch đô thị, Bình Dương đối mặt với những thách thức nào?
- Hiện nay Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình đô thị hóa, như ùn tắc giao thông và kết nối giao thông vùng, ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường nước, giải quyết tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, nhà ở cho công nhân…). Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh tuy có bước phát triển so với một số địa phương khác song vẫn cần chú ý vấn đề thoát nước mưa, tình trạng ngập lụt cục bộ ở một số địa điểm, vấn đề xử lý và thoát nước thải khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn, vấn đề xây dựng tại các khu vực đô thị.
Cùng với đó, các đồ án quy hoạch đô thị của tỉnh cần có tầm nhìn xa, hợp lý và các chính sách kiểm soát phát triển, quản lý đô thị, tránh gây lãng phí đất đai và nguồn lực đầu tư. Một vấn đề nữa Bình Dương cần chú ý là tiến trình đô thị hóa “nóng”; đây là hiện tượng đô thị hóa tự phát ở một số địa phương sẽ kéo theo những hệ lụy lớn…
- Trong tiến trình xây dựng TPTM, Bình Dương cần thực hiện quy hoạch như thế nào để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, thưa ông?
- Theo tôi, mô hình cấu trúc không gian TPTM tại Bình Dương nên theo hướng hình thành các khu ở bền vững, đô thị xanh và mô hình dựa trên các yếu tố phi tập trung, đa trung tâm trong cơ cấu quy hoạch. Các khu dân cư đô thị trên địa bàn tỉnh cần theo hướng tích hợp (compact) nhiều hơn để phát huy tối đa tính thông minh trong kỷ nguyên mới, giúp giảm bớt giao thông vô lý không cần thiết, giảm tắc nghẽn ở khu trung tâm các thành phố và khu đô thị. Bên cạnh đó, tỉnh cần tạo cơ hội cho các kiến trúc sư và nhà quy hoạch có những sáng kiến mới về mô hình cấu trúc mới thích ứng với ứng dụng vào TPTM.
Đối với việc dự báo về mặt kinh tế - xã hội trong quy hoạch đô thị, tỉnh cần thực hiện theo quy mô dân số tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó cần xác định quy mô phát triển hợp lý các khu công nghiệp tại các địa phương, tính chất của sản phẩm; xác định việc phát triển dịch vụ, du lịch và bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng cần kiểm soát hiệu quả và buộc tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam đối với các khu dân cư dành riêng cho công nhân nước ngoài và bảo đảm an toàn về trật tự công cộng trong khu dân cư.
Bình Dương là tỉnh tiên phong nghiên cứu và triển khai xây dựng TPTM của cả nước. Đây là chương trình chiến lược đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2021, tầm nhìn 2030, hướng tới một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, đặt ra những nền tảng cơ bản đầu tiên cho một nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh, tạo tiền đề tiến lên nền kinh tế tri thức. Căn cứ trên những cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển TPTM và phát triển bền vững đô thị; đồng thời căn cứ trên điều kiện đặc thù của Bình Dương, về giải pháp tổ chức không gian đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị thích ứng với TPTM, tôi đề xuất Bình Dương cần xác lập mô hình, kiểm soát phát triển không gian đô thị và tổ chức giao thông ứng với các phương tiện giao thông mới của kỷ nguyên TPTM.
Bên cạnh đó, Bình Dương cần xác định việc phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với TPTM; thiết lập công cụ quản lý đô thị, kiểm soát phát triển; giải quyết vấn đề đô thị tự phát… nhằm bảo đảm phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, bảo đảm sinh thái môi trường cho đô thị. Cùng với đó, địa phương tiếp tục chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối tốt với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; ứng dụng các thiết bị thông minh và thông tin kịp thời về biến đổi khí hậu và vấn đề ngập lụt trong nội thị và các khu dân cư nông thôn ở những vùng đất thấp. Đồng thời, địa phương nên quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề thoát nước thông minh thông qua việc cung cấp và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm các điểm ngâp lụt; phát huy hiệu quả của việc thu hút nhân tài; tiếp tục đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập trung bình và thấp, với các loại hình nhà ở chung cư cao tầng, nhà cho thuê, nhà ở xã hội.
Đặc biệt, Bình Dương cần giữ lại phần không gian xanh và quảng bá trục cảnh quan dọc sông Sài Gòn; duy trì vườn trái cây Lái Thiêu, phát triển đô thị xanh… làm nền tảng cho các loại hình du lịch của địa phương phát triển.
TIỂU MY (thực hiện)