Cứ vào mùa khô, đặc biệt là thời gian cao điểm của mùa khô, người dân lại ám ảnh với nỗi lo cháy nổ, thiếu nước, nhiễm mặn, thiếu điện… Nỗi lo của người dân bắt nguồn từ sự ảnh hưởng của khô hạn đến sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng cũng như sinh hoạt. Hiện tại, khu vực miền Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng đang bước vào thời gian cao điểm của mùa khô với nền nhiệt độ cao, nên rất dễ xảy ra các vụ cháy nổ và thiệt hại sản xuất do hạn hán gây ra. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, thực hiện các giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy nhà xưởng, gây thiệt hại về tài sản của doanh nghiệp, trong đó nhiều vụ cháy bắt nguồn từ ý thức chủ quan của chủ doanh nghiệp. Những vụ cháy này nếu xảy ra vào thời điểm khác trong năm sẽ gây ra ít thiệt hại hơn vì có thể dễ dàng khống chế. Tuy nhiên, với yếu tố thời tiết hanh khô như hiện nay thì thiệt hại do cháy gây ra sẽ cao hơn vì lực lượng tại chỗ không thể kiểm soát được mà phải nhờ tới lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Trước tình hình đó, để chủ động phòng chống cháy nổ và hạn chế thấp nhất hậu quả do nắng hạn gây ra, ngay từ những ngày đầu mùa khô, UBND tỉnh đã có các chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố và doanh nghiệp tăng cường các biện pháp phòng chống cháy nổ và thiệt hại do khô hạn. Từ đó, các đơn vị đã kịp thời chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp; triển khai công tác phòng chống cháy rừng mùa khô. Tại rừng phòng hộ núi Cậu huyện Dầu Tiếng, Ban quản lý rừng cũng đã tăng cường lực lượng kiểm tra khu vực núi Cậu và bố trí lực lượng trực chốt 24/24 giờ từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống cháy nổ; đồng thời huy động lực lượng tổ chức ứng trực, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Sở Công thương yêu cầu điện lực, các doanh nghiệp hoạt động hóa chất, các doanh nghiệp hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ; tiến hành tự kiểm tra, đánh giá toàn diện việc thực hiện các quy trình, quy định về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ và hướng dẫn các biện pháp chữa cháy ngay từ ban đầu cho lực lượng tại chỗ.
Theo cảnh báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, nắng nóng đang mở rộng trên khu vực các tỉnh miền Đông Nam bộ trong những ngày qua và cả những ngày tháng 3 sắp tới. Với sự chủ động ngay từ ban đầu của các ngành, các cấp liên quan, hy vọng những nỗi lo về thiệt hại xảy ra trong mùa khô 2019 sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
TRUNG ĐỒNG