Hàng Việt đang khẳng định “chỗ đứng”

Cập nhật: 29-08-2014 | 12:06:58

   Cách đây 7 năm, ngày 31-7-2009, Bộ Chính trị tổ chức cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngay sau đó, CVĐ này được các cấp, các ngành, địa phương, đông đảo doanh nghiệp và nhân dân hưởng ứng tích cực. CVĐ đã góp phần thúc đẩy thị trường nội địa phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và giá trị thương hiệu Việt. Từ đó đến nay, mặc dù CVĐ triển khai trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm, sức mua trên thị trường giảm sút... nhưng hàng Việt vẫn từng bước chiếm lĩnh, có chỗ đứng trên thị trường nội địa.

  Thực tế đó cho thấy, CVĐ đã có sức lan tỏa đến đời sống xã hội, không chỉ chuyển biến về nhận thức mà còn tạo chuyển biến về hành động, thói quen mua sắm, sử dụng hàng Việt của người tiêu dùng. Có thể nói việc cổ súy, khuyến khích dùng hàng Việt vừa góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam, vừa đẩy lùi hàng kém chất lượng…

  Ở Bình Dương, giai đoạn 2010-2014, ngành công thương tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hàng năm thực hiện các biện pháp bình ổn và dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Từ con số 4 doanh nghiệp tham gia vào năm 2010 với 12 điểm bán hàng Việt, đến nay đã tăng lên 12 doanh nghiệp với 85 điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh. Trong đó nổi bật là chương trình đưa hàng Việt về nông thôn bằng việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt ở khu vực nông thôn, khu, cụm công nghiệp đã thu hút đông đảo người tiêu dùng tham quan, mua sắm.

  Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp trong nước vẫn bỏ ngỏ, để mặc hàng ngoại, chưa kể nạn hàng nhái, hàng giả và hàng nhập lậu chia nhau chiếm lĩnh thị phần nông thôn. Nước ta có khoảng 2/3 dân số sinh sống ở nông thôn, đồng nghĩa với một thị trường có gần 60 triệu người tiêu dùng. Doanh nghiệp Việt tiến về địa bàn nông thôn là điều hợp lý. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp cần thấy rõ hơn trách nhiệm xã hội, phát huy lợi thế, chú trọng đổi mới công nghệ, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý, mẫu mã hợp thị hiếu tiêu dùng, thiết lập tốt các kênh phân phối và bán hàng, khẳng định giá trị thương hiệu Việt để chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam với chất lượng tương đương trong mua sắm công, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường để CVĐ tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực.

NHẬT HUY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=588
Quay lên trên